Xử phạt lấn chiếm vỉa hè như thế nào?
Mục lục
Hiện nay, các hành vi lấn chiếm vỉa hè để bán hàng rong, hoặc phục vụ các mục đích tư lợi khác của các cá nhân, tổ chức diễn ra vô cùng phổ biến. Hành vi này không chỉ gây cản trở giao thông, mà một phần nào đó nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới mỹ quan đô thị. Nhận thấy những ảnh hưởng đó, pháp luật Việt Nam đã có nhiều biện pháp nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến, răn đe, xử phạt và ngăn chặn các hành vi trên. Vậy xử phạt lấn chiếm vỉa hè được các Cơ quan chức năng thực hiện như thế nào? Hãy cùng chúng tôi điểm qua một số nội dung sau đây.
1. Thế nào là lấn chiếm vỉa hè?
Lấn chiếm vỉa hè là hành vi của một cá nhân, tổ chức lạm dụng vỉa hè để lấn chiếm nhằm thực hiện mục đích riêng của mình một cách trái quy định của pháp luật
2. Các hành vi lấn chiếm vỉa hè không vi phạm quy định của pháp luật
Tại khoản 1 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định rõ hè phố và vỉa hè chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Những hành vi lạm dụng vỉa hè để thực hiện mục đích riêng không nhằm phục vụ giao thông là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của công dân, trong một số trường hợp đặc biệt, pháp luật cho phép công dân được tạm thời sử dụng vỉa hè không vào mục đích giao thông.
2.1 Điều kiện sử dụng tạm thời vỉa hè không phục vụ cho mục đích giao thông theo quy định của pháp luật
Để sử dụng tạm thời vỉa hè không vào mục đích giao thông, vị trí vỉa hè đó phải đáp ứng các điều kiện sau:
Phần vỉa hè còn lại dành cho người đi bộ phải có bề rộng ít nhất trên 1,5 mét;
Phần hè phố được sử dụng phải có kết cấu chịu lực phù hợp với các trường hợp được phép sử dụng.
2.2. Những hành vi được xem là sử dụng vỉa hè phù hợp với quy định của pháp luật
- Vỉa hè được sử dụng làm nơi tuyên truyền các chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước. Thời gian sử dụng tối đa 30 ngày, nếu quá 30 ngày phải xin chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải (đối với đường quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với hệ thống đường địa phương);
- Vỉa hè được sử dụng tổ chức đám tang, hoặc phục vụ cho đám tang. Thời gian sử dụng không quá 48 giờ, trong trường hợp đặc biệt có thể lên đến 72 giờ;
- Vỉa hè được sử dụng để tổ chức đám cưới hoặc phục vụ đám cưới. Thời gian sử dụng không quá 48 giờ;
- Vỉa hè được sử dụng làm nơi trông giữ xe của các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội. Thời gian sử dụng không quá thời gian diễn ra hoạt động văn hóa đó;
- Vỉa hè được sử dụng làm nơi trung chuyển vật liệu phế thải, hoặc các vật liệu xây dựng của hộ dân trong thời gian xây dựng nhà cửa. Thời gian sử dụng vỉa hè trong phạm vi từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
Tùy vào từng trường hợp nhất định, đối tượng sử dụng vỉa hè phải có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân xã, phường nơi mình sử dụng vỉa hè trước khi sử dụng; hoặc phải được sự chấp phép sử dụng của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi họ sinh sống.
2.3 Sử dụng tạm thời vỉa hè nhằm mục đích trông, giữ xe có thu phí
Pháp luật cho phép các cá nhân, tổ chức được sử dụng vỉa hè nhằm mục đích trông, giữ xe có thu phí, những vị trí vỉa hè đó phải có kết cấu chịu lực phù hợp với các trường hợp nhất định, đồng thời, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
Vị trí vỉa hè được sử dụng tạm thời không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị;
Phần vỉa hè còn lại dành cho người đi bộ phải có bề rộng đạt tối thiểu là 1,5 mét.
Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức khi sử dụng tạm thời vỉa hè cho mục đích này phải được sự chấp thuận, phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Xử phạt lấn chiếm vỉa hè như thế nào?
Bên cạnh việc cấp phép sử dụng vỉa hè một cách tạm thời, pháp luật Việt Nam đưa ra những chế tài xử phạt nghiêm trọng hành vi lấn chiếm vỉa hè, hè phố được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với cá nhân, hoặc từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với tổ chức nếu có các hành vi chiếm dụng vỉa hè 20m2 trở lên làm nơi trông xe, giữ xe mà không xin phép;
Phạt tiền từ 06 triệu đến 08 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12 triệu đến 16 triệu đồng đối với tổ chức nếu có hành vi chiếm dụng vỉa hè từ 10m2 đến dưới 20m2 là nơi trông giữ xe mà không xin phép;
Phạt tiền từ 04 triệu đến 06 triệu đồng đối với cá nhân, hoặc từ 08 triệu đến 12 triệu đồng đối với tổ chức nếu có hành vi bày bán các loại máy móc và vật tư xây dựng, gia công hàng hóa trên vỉa hè; hoặc/và có hành vi chiếm dụng vỉa hè từ 05m2 đến dưới 10m2 để làm nơi trông giữ xe mà không xin phép;
Phạt tiền từ 02 triệu đến 03 triệu đồng đối với cá nhân, hoặc từ 04 triệu đến 06 triệu đồng đối với tổ chức nếu có hành vi sử dụng trái phép vỉa hè nhằm mục đích họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống hoặc/và bày bán hàng hóa, treo biển hiệu, xây đặt bục, làm mái che hoặc các hoạt động có tính chất tương tự làm cản trở hoạt động giao thông; hoặc/và có hành vi chiếm dụng vỉa hè dưới 05m2 làm nơi trông giữ xe mà không được cấp phép;
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, hoặc từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức nếu có hành vi bán hàng rong hoặc các mặt hàng nhỏ lẻ khác trên vỉa hè tại những tuyến phố quy định cấm bán hàng rong nhưng không thuộc các trường hợp vi phạm khác đã được trình bày ở trên.
Ngoài ra, đối với những hành vi tự ý đập phá, tháo dỡ, cải tạo vỉa hè trái phép nhằm phục vụ các nhu cầu cá nhân cũng có thể bị xử phạt từ 03 đến 05 triệu đồng đối với cá nhân và từ 06 đến 10 triệu đồng đối với tổ chức.