Tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp được áp dụng khi nào?
Mục lục
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng tình tiết này vẫn còn gây nhiều tranh cãi khi chưa có văn bản pháp lý hướng dẫn rõ ràng. Cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết dưới đây.
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là gì?
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, bên cạnh những tình tiết như phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội vì động cơ đê hèn, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, phạm tội 02 lần trở lên theo Điều 52 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (thời điểm tháng 8 năm 2021) vẫn chưa có quy định, văn bản pháp lý nào quy định rõ về tình tiết này. Do vậy, áp dụng quy định tại mục 5.1 Điều 5 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP của tòa án nhân dân tối cao để xác định khung tình tiết tăng nặng này.
Tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp được áp dụng khi nào?
Quy định tại mục 5.1 Điều 5 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP của tòa án nhân dân tối cao, việc áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau:
- Cố ý phạm tội từ 5 lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích,
- Người phạm tội lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Như vậy có thể thấy rằng, những tội phạm đã bị bắt nhiều lần vì tội trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng,…không đủ điều kiện để coi là phạm tội chuyên nghiệp.
Ví dụ về tình tiết tăng nặng phạm tội có tính chất chuyên nghiệp
Để hiểu hơn về chế định này, chúng ta cùng xem xét 2 ví dụ sau:
Ví dụ 1: Anh A là một người thất nghiệp, không đi làm trong thời gian dài. Anh thường có mặt ở những đoạn đường vắng để cướp giật. Từ đầu năm đến nay, anh đã thực hiện liên tiếp 05 vụ cướp giật.
→ Trong trường hợp này, Anh A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” bởi hành vi của A thỏa mãn 2 điều kiện áp dụng tình tiết này. Cụ thể, A đã thực hiện hành vi phạm tội 5 lần và việc phạm tội là nguồn thu nhập chính của A.
Ví dụ 2: B là công nhân làm việc ở một xưởng chế tác trang sức. Trong thời gian làm việc, B thường lợi dụng những lúc vắng người để trộm cắp tài sản của công ty.
→ Trong trường hợp này, dù B có thể thực hiện hơn 5 lần hành vi trộm cắp nhưng việc trộm cắp này không phải nguồn sống, nguồn thu nhập chính của B. Do đó, B sẽ không bị áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
Từ khi Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nào thay thế Nghị quyết 01/2006 mà chỉ có Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC giải thích tình tiết “Có tính chất chuyên nghiệp” trong tội Rửa tiền quy định tại điểm d khoản 2 Điều 324 BLHS 2015.
Do đó, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến về việc áp dụng quy đjnh tại Nghị quyết 01/2016 khi đưa vụ án ra xét xử. Có ý kiến cho rằng Nghị quyết này đã hết hiệu lực và cũng không có lợi cho người bị kết án theo tinh thần của Nghị quyết 41/2017/QH14 nên sẽ không được áp dụng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Nghị quyết này chỉ hết hiệu lực một phần và vẫn có thể áp dụng cho các quy định trong bộ luật mới.