Bắt cóc – Diễn biến phức tạp về tội danh
Ông Nguyễn Văn M là chủ một tiệm vàng ở thành phố H. Vào một buổi sáng, ông M đang tập thể dục trong công viên, thì bị Lê Văn T (18 tuổi), Vũ Trọng D (30 tuổi) và Trịnh Văn C (40 tuổi) dùng vũ khí uy hiếp buộc ông M lên xe ô tô, sau đó chúng đưa ông M về nhà Trịnh Văn C.Tại đây, chúng buộc ông M phải viết thư về gia đình lấy 20 lượng vàng giao cho bọn chúng thì chúng mới thả ông M[1].Đó là một tình huống thực tiễn về tội bắt cóc.
Vậy pháp luật quy định như thế nào về tội này?
Căn cứ pháp lí
Tội bắt cóc được quy định tại Điều 169 BLHS 2015:
“ Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản…”
Dấu hiệu cơ bản của tội phạm
Về chủ thể: Chủ thể tội bắt cóc giống tội cướp tài sản tuy nhiên người từ đủ 14 đến 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm theo Khoản 1 Điều 169 bởi đó là tội phạm nghiêm trọng và theo Khoản 2 Điều 12 BLHS thì người từ đủ 14 tuổi trở lên,nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng[2]. Ở tình huống trên cả ba người đều từ 18 tuổi trở lên và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Về khách thể: Tội bắt cóc xâm phạm đến hai khách thể đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Ở tình huống trên T, D và C đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, thân thể, tính mạng của ông M, đồng thời cũng xâm phạm đến tài sản của ông đó là 20 lượng vàng.
Về mặt khách quan: Hành vi bắt cóc được thực hiện một cách lén lút và đưa người bị bắt đến một nơi nào đó rồi tìm cách thông báo cho người thân của người bị bắt cóc biết, cùng với yêu cầu người thân của họ phải nộp một số tiền thì mới thả người bị bắt cóc và thực hiện hành vi này bằng những thủ đoạn khác nhau. Ông M bị uy hiếp bởi vũ khí và sau đó được đưa đến nhà của C và yêu cầu M viết thư cho gia đình chuộc 20 lượng vàng- đáp ứng được dấu hiệu hành vi khách quan. Hậu quả của hành vi bắt cóc có thể là tài sản, có thể là danh dự, nhân phẩm sức khỏe của người bị bắt cóc. Nhưng hậu quả không phải là bắt buộc.
Về mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý và với mục đích là chiếm đoạt tài sản. T,C,D ý thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện và có ý định chiếm đoạt 20 lượng vàng của ông M.
Hình phạt: Người phạm tội bắt cóc có thể chịu hình phạt từ 2 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.