Khung hình phạt dành cho người phạm tội bắt cóc trẻ em
Tình trạng bắt cóc trẻ em luôn là vấn đề nóng của dư luận xã hội, được nhiều người quan tâm, đặc biệt nhất là nạn bắt cóc trẻ em bán sang Trung Quốc. Người phạm tội bắt cóc trẻ em biết được việc của mình là vi phạm pháp luật, tuy nhiên vì lợi nhuận họ vẫn thực hiện hành vi buôn bán trẻ em.
Nạn bắt cóc trẻ em gây nên tâm thế hoang mang lo sợ cho người dân. Do đó, mọi người cần cảnh giác, nhất là ở những nơi thưa thớt dân cư như các huyện miền núi. Bằng các thủ đoạn tinh vi thì người phạm tội bắt cóc trẻ em vẫn làm trót lọt các phi vụ buôn bán. Kết quả người phạm tội bắt cóc trẻ em phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại điều Điều 153 – Bộ luật Hình sự 2015
“Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 153 BLHS 2015, dùng vũ lực được hiểu là sử dụng sức mạnh của tay chân để khống chế nạn nhân, không cho nạn nhân kháng cự để bỏ chạy, hoặc là đe dọa dùng vũ lực như là dọa nếu nạn nhân chạy trốn thì sẽ đánh nạn nhân, gây đau đớn về thể xác cho nạn nhân. Người phạm tội bắt cóc trẻ em còn có thể sử dụng các thủ đoạn khác như cho bánh, kẹo, đồ chơi đẹp mắt …để dụ dỗ trẻ dưới 16 tuổi.
Hình phạt đối với người phạm tội bắt cóc trẻ em.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 153 BLHS 2015 thì người nào mà phạm tội bắt cóc trẻ em được mô tả trong khung này sẽ bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
Tùy vào vụ việc cụ thể và các tình tiết có liên quan, giảm nhẹ, tăng nặng mà xác định mức phạt cụ thể
Ví dụ như anh A phạm tội bắt cóc trẻ em căn cứ vào Khoản 1 Điều 153 bị tuyên 4 năm tù giam vì là anh A thành khẩn khai báo, chưa từng phạm tội, gia đình có hoàn cảnh khó khăn .Trường hợp khác, đối với những bị cáo phạm tội bắt cóc trẻ em, nếu không có các tình tiết giảm nhẹ như của anh A thì sẽ bị Tòa án tuyên ở mức án khác.
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội bắt cóc trẻ em có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung khác như “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.” (khoản 4 điều 153 BLHS 2015).
Tình trạng phạm tội bắt cóc trẻ em diễn ra ngày một phức tạp,vì vậy khi bắt được đối tượng phạm tội cần nghiêm trị để răn đe làm gương cho các đối tượng khác.Từ đó đảm bảo trật tự xã hội cho người dân.