Cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản
Sử dụng trái phép tài sản là hành vi của một người vì vụ lợi đã khai thác một cách trái phép giá trị sử dụng của tài sản do đang chiếm giữ. Vậy sử dụng trái phép tài sản có những dấu hiệu cơ bản nào để phân biệt với những tội phạm khác?
Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tội sử dụng trái phép tài sản được quy định tại Điều 177 BLHS 2015 theo đó:
“ Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100000000 triệu đồng đến 50000000 triệu đồng…”
Đặc trưng cơ bản của tội sử dụng trái phép tài sản là người phạm tội chỉ có ý định khai thác lợi ích do tài sản đem lại chứ không có ý định chiếm đoạt tài sản, sau khi đã khai thác lợi ích của tài sản, người phạm tội sẽ trả lại tài sản cho chủ sở hữu.
Trường hợp: Người thủ quỹ chuyển tiền của công ty vào tài khoản của mình và có ý định gửi tiền vào ngân hàng để thu lợi từ số tiền lãi phát sinh sau đó trả lại tiền cho công ty. Đây là một ví dụ cụ thể về sử dụng trái phép tài sản.
Các dấu hiệu cơ bản của tội phạm
Về chủ thể: Chủ thể của tội phạm này cũng tương tự như đối với tội xâm phạm sở hữu khác. Tuy nhiên, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này không có trường hợp nào quy định là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Về mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Người thủ quỹ biết hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện với mục đích lấy tiền của công ty gửi ngân hàng để thu lợi từ tiền lãi phát sinh.
Về mặt khách quan: Hành vi khách quan duy nhất của tội này là sử dụng tài sản một cách trái phép. Người thủ quỹ đã tự ý chuyển tiền của công ty vào tài khoản của mình, như vậy đã sử dụng trái phép tiền của công ty.
Hậu quả của hành vi sử dụng trái phép tiền công ty của người thủ quỹ đó là giá trị tiền của công ty bị sử dụng một cách trái phép và có thể gây ra một số thiệt hại khác.
Về mặt khách thể: Xâm phạm đến quyền sử dụng tài sản, trong ví dụ trên người thủ quỹ đã xâm phạm đến quyền sử dụng tiền của công ty.
Về hình phạt: Người thủ quỹ có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm, tùy thuộc vào số tiền người thủ quỹ chuyển và thiệt hại do hành vi chuyển tiền gây ra. Ngoài ra người thủ quỹ cũng có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề,…
Trên đây là những dấu hiệu cơ bản nhất của tội sử dụng trái phép tài sản, bạn cũng có thể tìm hiểu sâu hơn tại Điều 177 BLHS 2015.