Đánh nhau gây rối trật tự công cộng bị phạt ra sao?
Mục lục
Đánh nhau gây rối trật tự công cộng bị phạt ra sao? Hiện nay việc đánh nhau gây rối trật tự công cộng ngày càng diễn biến phức tạp gây hoang mang dư luận. Rất nhiều cá nhân mong muốn có hình phạt trừng phạt thích đáng cho hành vi trên. Bài viết hôm nay cùng chúng tôi tìm hiểu vấn đề này.
1. Đánh nhau gây rối trật tự công cộng là gì?
Đánh nhau là hành vi dùng vũ lực tác động vào cơ thể người khác, hành vi này có thể gây thương tích hoặc không tùy thuộc vào mức độ, tính chất khác nhau.
Gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỹ luật ở nơi công cộng; gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng; và có thể sẽ gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Gây rối trật tự công cộng thể hiện ở những hành vi sau:
- Tụ tập ẩu đả, đánh nhau nơi công cộng;
- Có lời nói, cử chỉ, hành động thiếu văn hóa xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một, nhiều người, thậm chí là cả cộng đồng;
- Hành vi phá phách hoặc làm ô uế các công trình, thiết bị ở nơi công cộng;
- Tụ tập làm ầm ĩ, đua xe trái phép…
- Hành hung người làm nhiệm vụ hoặc người tự nguyện tham gia bảo vệ trật tự nơi công cộng.
Hành vi đánh nhau là một trong những hành vi cấu thành gây rối trât tự công cộng.
2. Đánh nhau gây rối trật tự công cộng bị phạt ra sao?
2.1. Xử phạt hành chính
Trong trường hợp hành vi chưa cấu thành tội phạm được quy định trong bộ luật Hình sự, pháp luật có quy định dùng biện pháp hành chính để xử phạt gây rối trật tự công cộng. Các mức phạt thông thường đối với những hành vi vi phạm về trật tự công cộng được quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác. Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng. Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này. Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng. Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác. Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương.
Ngoài quy định phạt tiền như trên thì hành vi đánh nhau gây rối trật tự công cộng còn buộc phải bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại bị gây ra theo quy định tại Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:
Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Trên thực tế thì cả hai bên có thể tự thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại. Tuy nhiên, phải đảm bảo theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 585 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
- Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
2.2. Xử lý hình sự
Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này; chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Những hành vi thuộc khung hình phạt tăng nặng, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp này thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Phạm tội có tổ chức;
- Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
- Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
- Xúi giục người khác gây rối;
- Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
- Tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, người phạm tội đánh nhau gây gối trật tự công cộng có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù đến 07 năm.
Hành vi đánh nhau gây thương tích cho người khác thì có thể bị truy tố tội Cố ý gây thương tích tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có thể có những mức hình phạt như sau:
- Mức 1: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp ở khoản 1, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Mức 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp ở khoản 2, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm.
- Mức 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp ở khoản 3, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
- Mức 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp ở khoản 4, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm.
- Mức 5: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp ở khoản 5, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Xem chi tiết tại: https://luatsutotung.com/toi-danh-nguoi-gay-thuong-tich.html
- Mức 6: Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.