Gây tai nạn giao thông bị phạt như thế nào?
Mục lục
Gây tai nạn giao thông có bị phạt tù hay không? Trong trường hợp nào thì chỉ bị phạt tiền?…. Rất nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của người gây tai nạn. Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ chia sẻ đến các bạn câu trả lời cho câu hỏi “Gây tai nạn giao thông bị phạt như thế nào?”.
1. Gây tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông là sự việc diễn ra ngoài ý muốn của các bên tham gia giao thông. Theo đó, tại Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải có trách nhiệm sau:
“Điều 38. Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông.
1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền”.
Ngoài ra, pháp luật còn nghiêm cấm hành vi bỏ trốn khi gây ra tai nạn trong quá trình tham gia giao thông. Cụ thể được quy định tại khoản 17 Điều 8 của Luật này.
Gây tai nạn giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng điều kiện cấu thành tội tại Điều 260 Bộ Luật Hình Sự 2015.
Cấu thành tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ như sau:
- Khách thể: Tội đã xâm phạm đến những quy định đối với trật tự an toàn giao thông đường bộ được quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản pháp luật khác có liên quan;
- Chủ thể: Tất cả chủ thể tham gia giao thông gây tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe, tài sản, tính mạng của người khác;
- Mặt khách quan: Những hành vi vi phạm quy định giao thông được thể hiện như: Điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích khác; không đội mũ bảo hiểm; không giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ; không đi bên phải theo chiều của mình,… Hậu quả của tội vi phạm quy định an toàn giao thông như: làm chết người; gây thương tích hoặc tổn hại về sức khỏe; gây thiệt hại về tài sản;
- Mặt chủ quan: Lỗi của tội vi phạm quy định về an toàn giao thông là lỗi vô ý. Trong trường hợp này lỗi của chủ thể thể hiện qua sự quá tự tin hoặc cẩu thả và cho rằng hậu quả đó không xảy ra hoặc khó có thể xảy ra được.
2. Gây tai nạn giao thông bị phạt như thế nào?
2.1. Phạt hành chính
Căn cứ khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
-Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông do thực hiện một trong các hành vi sau:
- Không chú ý quan sát; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông;
- Đi vào đường cao tốc; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe; lùi xe, tránh xe, vượt xe; chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông;
- Không đi đúng phần đường; làn đường; không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định; gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển; đi ngược chiều của đường một chiều; đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông; trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 8 Điều 6 Nghị định này.
Như vậy, nếu điều khiển xe máy gây tai nạn giao thông thuộc một trong các hành vi nêu trên; người điều khiển xe máy có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Căn cứ khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; khi người điều khiển xe gây tai nạn có một trong các hành vi sau:
- Gây tai nạn giao thông không dừng lại;
- Gây tai nạn giao thông không giữ nguyên hiện trường;
- Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền;
- Gây tai nạn giao thông nhưng không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Như vậy, nếu điều khiển xe máy gây tai nạn giao thông thuộc một trong các hành vi nêu trên; thì người điều khiển xe máy có thể bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Căn cứ khoản 9 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng; khi người điều khiển xe có hành vi gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ do:
- Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe;
- Dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe;
- Nằm trên yên xe điều khiển xe;
- Thay người điều khiển khi xe đang chạy;
- Quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
- Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị;
- Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
- Điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định.
Người điều khiển xe máy gây tai nạn giao thông thuộc một trong các hành vi nêu trên; có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
2.2. Trách nhiệm hình sự
Bên cạnh việc xử phạt hành chính, đối với những trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng và hậu quả để lại nghiêm trọng hơn, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu “gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn”.
Thậm chí, nếu gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người hoặc tỷ lệ thương tích lớn quy định tại khoản 3 của Điều luật này, mức án tù phải chịu là từ 07 năm đến 15 năm. Do đó, ngay sau khi gây ra tai nạn thương tích, người thực hiện hành vi này cần khắc phục hậu quả, và đến Cơ quan có thẩm quyền trình báo để hình phạt được giảm nhẹ.