Gây tai nạn giao thông không bồi thường bị xử lý thế nào?
Mục lục
Tai nạn giao thông là một hiện tượng xã hội thường thấy. Theo thống kê, tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/08/2022, trên cả nước xảy ra khoảng 7488 vụ tai nạn giao thông. Trong đó, nhiều vụ người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông không bồi thường thiệt hại, có hành vi bỏ trốn nghĩa vụ. Vậy trường hợp này sẽ bị xử lý như thế nào?
1. Gây tai nạn giao thông không bồi thường thiệt hại sẽ bị xử lý thế nào?
Thông thường, khi xử lý một vụ án gây tai nạn giao thông nhưng người điều khiển phương tiện đó lại không chịu bồi thường, trốn tránh nghĩa vụ sẽ căn cứ dựa trên yếu tố lỗi. Cụ thể như sau:
- Nếu người chịu trách nhiệm bồi thường có lỗi, họ ý thức được hành vi của mình, hậu quả bản thân để lại và biết được trách nhiệm phải bồi thường nhưng lại dùng mọi biện pháp trốn tránh thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại trực tiếp sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường.
- Nếu người chịu trách nhiệm bồi thường không có lỗi hoặc lỗi vô ý và mức thiệt hại quá lớn so với tài chính của mình sẽ được Tòa án xem xét và giảm mức bồi thường.
- Trong trường hợp có lỗi hỗn hợp, tai nạn giao thông xảy ra mà do lỗi của các bên sẽ căn cứ theo tình hình thực tế. Các bên có thể tự thỏa thuận việc bồi thường, nếu không thể hòa giải sẽ yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Theo đó, đối với hành vi nêu trên, người bị thiệt hại có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông. Tòa án sẽ căn cứ vào các tính chất vụ việc để giải quyết. Do đó, sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự và trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi gây tai nạn không bồi thường.
1.1. Trách nhiệm dân sự
Căn cứ theo quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015, nguyên tắc xác định bồi thường dân sự sẽ là:
“Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.
Như vậy, trong trường hợp không thể thỏa thuận, bên bị thiệt hại có thể nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường cho mình. Việc giải quyết sẽ dựa trên cơ sở căn cứ theo Điều 26, 35 về thẩm quyền của Tòa án đối với vụ án dân sự.
1.2. Trách nhiệm hình sự
Trong quá trình xét xử tại phiên Tòa, nếu xác định vụ án có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định khởi tố vụ án. Đối với trường hợp đặc biệt, nếu hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm không đáng kể thì sẽ không phải khởi tố vụ án mà sẽ xử lý theo biện pháp khác.
2. Hồ sơ khởi kiện đòi bồi thường đối với hành vi gây tai nạn giao thông
Dù gây tai nạn giao thông không chết người hay có chết người mà giữa hai người đã có sự thỏa thuận nhưng người gây thiệt hại không chấp thuận thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện đòi bồi thường. Do đó, việc chuẩn bị hồ sơ sẽ bao gồm những tài liệu như sau:
- Đơn khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do bị tai nạn giao thông.
- Giấy tờ chứng thực cá nhân.
- Giấy tờ, hồ sơ chứng minh thiệt hại.
- Các chứng cứ, chứng minh lỗi của người gây thiệt hại.
- Các giấy tờ khác có liên quan.
3. Thời gian giải quyết bồi thường tai nạn giao thông sẽ trong khoảng bao lâu?
Để giải quyết vụ việc này, sẽ dựa trên tính chất phức tạp hay đơn giản. Thông thường, một vụ kiện đòi bồi thường tai nạn giao thông sẽ diễn ra trong khoảng từ 06 tháng – 08 tháng. Trong thời gian này, Tòa án sẽ giải quyết một số vụ việc như:
- Phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
- Thẩm phán ra quyết định xem xét đơn, thụ lý hay trả lại đơn, yêu cầu người nộp đơn tạm ứng phí.
- Tiến hành lập hồ sơ, thu thập chứng cứ, hòa giải.
- Đưa vụ án ra xét xử,…
4. Các khoản bồi thường khi gây tai nạn giao thông sẽ phải bao gồm những gì?
Khi bị thiệt hại tai nạn giao thông, nguyên đơn sẽ khởi kiện Tòa án yêu cầu giải quyết buộc người gây ra hành vi trốn tránh, không chịu trách nhiệm sẽ phải bồi thường. Theo đó, các khoản bồi thường bao gồm:
- Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như: Tài sản bị mất, hủy hoại hoặc hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, giảm sút, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại,…
- Bồi thường do bị thiệt hại về sức khỏe, nhân phẩm và uy tín: Các chi phí chữa trị, điều trị và phục hồi chức năng, thu nhập thực tế của người bị hại bị mất hoặc giảm sút, bù đắp cho sự tổn thất tinh thần mà người đó phải gánh chịu,…