Gây tai nạn rồi bỏ chạy
Mục lục
Gần đây, khi gây ra va chạm thì người gây tại nạn lại lợi dụng hiện trường lộn xộn, người gặp nạn mất khả năng kiểm soát hoặc tuyến đường vắng vẻ, mà bỏ trốn để không phải chịu trách nhiệm. Vậy, hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy bị xử lý hình sự như thế nào? Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây để tìm câu trả lời cho câu hỏi này.
1. Gây tai nạn giao thông có bị truy cứu hình sự không?
Khi gây tai nạn giao thông có đầy đủ các dấu hiệu sau thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
Thứ nhất, chủ thể phạm tội
Là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự – Là người có đủ khả năng nhận thức tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà bản thân thực hiện, có khả năng điều khiển hành vi.
Thứ hai, mối quan hệ bị xâm phạm
Xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác.
Thứ ba, biểu hiện tâm lý
Được thực hiện bởi lỗi vô ý, cụ thể như sau:
- Người gây tai nạn thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được;
- Người gây tai nạn không thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Thứ tư, biểu hiện bên ngoài
Về hành vi: Là hành vi của người tham gia giao thông vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, như không chấp hành báo hiệu đường bộ; phóng nhanh, vượt ẩu; không giữ khoảng cách giữa các phương tiện tham giao thông; dừng, đỗ xe trên đường không đúng quy định,…
Về hậu quả: Làm chết người; gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% – 121%; gây thiệt hại về tài sản có trị giá từ 100.000.000 đồng – dưới 500.000.000 đồng.
2. Gây tai nạn rồi bỏ chạy bị xử lý hình sự như thế nào?
Cho dù nguyên nhân gây ra tai nạn là do lỗi của bên nào đi nữa thì việc người liên quan bỏ trốn khỏi hiện trường, không cứu người gặp nạn là đáng trách. Bởi cứu người bị nạn không chỉ là tình người mà còn là nghĩa vụ. Việc tài xế sau va chạm giao thông liền rời khỏi hiện trường trong khi người bị nạn đang cần giúp đỡ phản ánh một thực trạng về đạo đức, đó là sự thờ ơ, vô cảm với nỗi đau đớn của đồng loại.
Tai nạn là điều không ai mong muốn, nhưng nếu họ biết giúp đỡ kịp thời thì người bị nạn có thể vượt qua nguy hiểm. Theo quy định pháp luật hiện hành, người gây tai nạn phải ở lại hiện trường đến khi người của cơ quan công an đến. Theo điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2018, có 3 trường hợp người gây tai nạn được quyền rời khỏi hiện trường, cụ thể:
- Bị thương phải đưa đi cấp cứu;
- Phải đưa người bị nạn đi cấp cứu;
- Vì lý do bị đe dọa đến tính mạng.
Tuy nhiên, việc rời khỏi hiện trường chỉ là tạm thời và sau đó phải đến trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất.
Việc rời khỏi hiện trường không phải vì 03 lý do trên, mà vì trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn – Đây được xem là tình tiết định khung tăng nặng theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ). Theo đó, người gây tai nạn có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Cùng Phan Law Vietnam lên án hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy
Giờ đầu tiên khi xảy ra tai nạn, được xem là “giờ vàng” với nạn nhân vì trong thời gian này, nếu được cấp cứu kịp thời, khả năng nạn nhân được cứu sống sẽ cao hơn và hạn chế sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
Do đó, khi tham gia giao thông mọi người cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm và chấp hành đúng luật giao thông. Quan trọng mọi người cần hiểu là nếu gây tai nạn bỏ chạy khỏi hiện trường, bỏ mặc người bị nạn không chỉ vi phạm về mặt đạo đức mà còn vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng.
Nếu cần bất kỳ sự hỗ trợ pháp lý nào, hãy liên hệ với Phan Law Vietnam. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đòi lại quyền lợi cho các bạn, như: hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ có lợi; tham gia hỏi cung, điều tra, xét xử,…