Hành vi bạo hành xử phạt như thế nào?
Bạo hành, dù là thể chất hay tinh thần, đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân. Pháp luật Việt Nam có những quy định cụ thể để xử lý hành vi này. Vậy, hành vi bạo hành xử phạt như thế nào? Mức độ và hình thức xử phạt ra sao? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết này.
1. Thế nào là hành vi bạo hành?
Bạo hành (hay còn được gọi là bạo lực), một từ ngữ ngắn gọn nhưng lại mang trong mình sức nặng của sự tàn nhẫn và nỗi đau. Nó không chỉ là những vết thương thể xác, mà còn là những vết sẹo tinh thần hằn sâu trong tâm hồn nạn nhân. Bạo hành có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, từ những hành động thô bạo, lời lẽ miệt thị đến những sự kiểm soát, thao túng đầy tinh vi. Có thể xảy ra ở mọi nơi như gia đình, trường học, nơi làm việc hay nơi công cộng… Có những loại bạo hành như:
– Bạo hành thể chất là hình thức bạo hành dễ nhận thấy nhất, với những hành động gây tổn thương trực tiếp đến cơ thể nạn nhân. Những cú đấm, đá, tát hay thậm chí là sử dụng vũ khí đều là những biểu hiện của bạo hành thể chất. Hình thức bạo hành này không chỉ gây ra những vết thương ngoài da mà còn có thể dẫn đến tổn thương nội tạng, thậm chí là tử vong.
– Bạo hành tinh thần khác với bạo hành thể chất ở chỗ nó khó nhận biết hơn nhưng lại gây ra những hậu quả âm thầm và dai dẳng. Hình thức này bao gồm các hành động như lăng mạ, sỉ nhục, đe dọa, kiểm soát, cô lập hoặc thao túng tâm lý. Những lời nói cay độc, hành động coi thường hay sự kiểm soát quá mức có thể tàn phá tinh thần của nạn nhân, khiến họ mất tự tin và rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu kéo dài.
– Bạo hành tình dục là sự xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư và sự tự do của nạn nhân. Hình thức bạo hành này bao gồm các hành vi như cưỡng bức, ép buộc quan hệ tình dục hoặc quấy rối tình dục. Những tổn thương tâm lý do bạo hành tình dục gây ra thường rất sâu sắc, khiến nạn nhân cảm thấy xấu hổ, sợ hãi và mất niềm tin vào cuộc sống.
Có thể thấy, bạo hành không chỉ gây ra những hậu quả cho cá nhân nạn nhân, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình và xã hội. Nó phá vỡ những mối quan hệ, gây ra những tổn thương tinh thần và tạo ra một môi trường sống đầy bạo lực và bất an.


Xem thêm: Bạo hành trong xã hội là gì? Cần làm gì để bảo vệ bản thân?
2. Hành vi bạo hành trong gia đình xử phạt như thế nào?
Hành vi bạo hành xử phạt như thế nào? Tùy thuộc vào từng trường hợp, mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả gây ra mà hành vi bạo hành có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
2.1. Mức xử lý hành chính hành vi bạo lực gia đình
Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, Hành vi “bạo lực gia đình” bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cưỡng ép chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;
e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
n) Chiếm đoạt, huỷ hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
Mức xử lý đối với hành vi bạo hành đối với người trong gia đình được quy định ở mực IV Nghị định 144/2021/NĐ-CP từ Điều 52 đến Điều 67 thì mức phạt tùy theo từng hành vi và hậu quả gây ra mà số tiền bị phạt như sau:
- Phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình.
- Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình
- Phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình.
- Phạt tiền từ 5 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý.
- Phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi bạo lực về kinh tế.
- Phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
- Phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi bạo lực đối với người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.
- Phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
- Phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình và cản trở việc ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình…
- Ngoài phạt tiền, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục, buộc xin lỗi công khai hoặc cấm tiếp xúc với nạn nhân.
2.2. Xử lý hình sự hành vi bạo hành
Có thể bị truy cứu hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy theo mức độ thương tật của nạn nhân.
Hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 5 năm theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội làm nhục người khác.
Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi bạo hành có thể phải đối mặt với các hình phạt như phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm. Quyết định về mức hình phạt cụ thể sẽ do Tòa án đưa ra dựa trên các yếu tố cấu thành tội phạm và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Như vậy, những nạn nhân của hành vi bạo hành có quyền tìm kiếm sự bảo vệ từ pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ví dụ, một người vợ bị chồng bạo hành có thể đơn phương yêu cầu ly hôn hoặc thông báo hành vi vi phạm của chồng đến các cơ quan có thẩm quyền để được can thiệp và xử lý theo quy định của pháp luật.


Xem thêm: Cần làm gì khi bị bạo hành tâm lý gia đình? Quy định của pháp luật về hành vi bạo lực gia đình
3. Tư vấn pháp lý tại văn phòng luật sư tố tụng
Khi đối mặt với hành vi bạo hành, việc hiểu rõ các quy định pháp luật và tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý kịp thời là vô cùng quan trọng. Tại Văn phòng Luật sư Tố tụng cam kết cung cấp những thông tin pháp lý chính xác và cập nhật nhất về các hình thức xử phạt đối với hành vi bạo hành, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng hành cùng bạn trong suốt quá trình giải quyết vụ việc, chúng tôi sẽ hỗ trợ từ việc thu thập chứng cứ, soạn thảo hồ sơ đến đại diện bạn tham gia các thủ tục pháp lý, đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn một cách tối ưu. Hơn thế nữa, chúng tôi thấu hiểu rằng bạo hành không chỉ gây tổn thương về thể chất mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần. Vì vậy, chúng tôi cam kết lắng nghe, đồng cảm và hỗ trợ pháp lý một cách nhạy bén, giúp bạn tìm lại sự công bằng và an toàn theo quy định của pháp luật.
Nếu bạn hoặc người thân đang phải đối mặt với hành vi bạo hành, đừng ngần ngại liên hệ với Văn phòng Luật sư Tố tụng ngay hôm nay!