Lỗi phạt nguội vượt đèn đỏ năm 2022
Mục lục
Cảnh sát giao thông không phải lúc nào cũng xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong mọi thời điểm để có thể xử phạt kịp thời hành vi vượt đèn đỏ. Vì vậy khi vắng bóng cảnh sát giao thông thì người tham gia giao thông thường chọn cách vượt đèn đỏ. Sự xuất hiện của “phạt nguội” đã làm giảm bớt áp lực cho các cảnh sát giao thông. Cùng chúng tôi tìm hiểu lỗi phạt nguội vượt đèn đỏ năm 2022.
1. Lỗi phạt nguội vượt đèn đỏ năm 2022
Việc phát huy vai trò của phạt nguội đang là xu thế của nhiều nước trên thế giới. Hiện nay Việt Nam đang nhân rộng hình thức phạt nguội này. Nhưng việc này cũng gặp nhiều khó khăn do việc đầu tư lắp đặt hệ thống camera cần nhiều chi phí.
Xử phạt nguội hành vi vi phạm giao thông có thể hiểu đơn giản là hình thức xử lý vi phạm của phương tiện sau một khoảng thời gian nhất định nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị giám sát như camera, chứ không xử lý trực tiếp ngay tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm.
Việc xử phạt nguội đạt hiệu quả ngoài việc lắp đặt hệ thống camera còn phải quản lý chặt việc sang tên đổi chủ, mua bán trái phép các phương tiện giao thông, các hành vi che, tẩy xoá, làm biến dạng biển số xe.
Nhiều đoạn đường có camera có thể hình thành tâm lý không dám đi ẩu vì sợ phạt nguội.
Quy trình phạt nguội theo quy định của pháp luật hiện nay như sau:
- Trích xuất hình ảnh: Sau khi phát hiện hình ảnh, phương tiện vi phạm sẽ được ghi lại và chuyển sang bộ phận trích xuất để lưu lại các thông tin về phương tiện vi phạm như biển số xe, thời gian vi phạm, tuyến đường vi phạm, lỗi vi phạm. Hình ảnh được chuyển cho lực lượng cảnh sát giao thông để làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính;
Việc trích xuất hình ảnh thực hiện theo hướng dẫn tại điểm a khoản 4 Điều 24 Thông tư 65/2020/TT-BCA như sau:
“Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; Phòng Cảnh sát giao thông; Đội Cảnh sát giao thông – trật tự Công an cấp huyện có trách nhiệm:
Thông báo địa điểm, hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin, hình ảnh để Nhân dân biết cung cấp;
Tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, hình ảnh;
Bảo đảm bí mật tên, họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và thông tin khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin, hình ảnh;”
- Lập hồ sơ vi phạm, in thông báo: Sau khi nhận được hình ảnh vi phạm, thông tin vi phạm thì cảnh sát giao thông lập hồ sơ vi phạm và tiến hành in thông báo vi phạm;
- Phát hành thông báo cho chủ phương tiện: Sau khi nhận được hình ảnh và thông tin về phương tiện vi phạm, Cảnh sát giao thông sẽ tiến hành thông báo đến cá nhân, tổ chức vi phạm và yêu cầu họ đến cơ quan có thẩm quyền để làm việc;
- Xử lý vi phạm, cập nhật kết quả và kết thúc hồ sơ.
Cách tra cứu phương tiện giao thông bị phạt nguội:
- Truy cập vào trang website của Cục Cảnh sát giao thông: người dân có thể tra cứu bằng cách nhập biển số xe;
- Chọn loại phương tiện và biển số đầy đủ để tiến hành tra cứu. Hệ thống sẽ cung cấp thông tin về biển số xe, thời gian, địa điểm, đơn vị phát hiện vi phạm và địa chỉ, số điện thoại liên hệ để liên hệ giải quyết xử lý tại các đơn vị công an nơi phát hiện vi phạm;
- Xem kết quả:
- Trường hợp không tìm thấy kết quả nghĩa là xe không có hành vi vi phạm bị phạt nguội. Nếu có kết quả thì đến cơ quan thông báo vi phạm để nộp phạt và xác nhận đã xử lý.
2. Phạt nguội vượt đèn đỏ như thế nào?
Ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô khi vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 3 tháng.
Trường hợp gây tai nạn giao thông sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng (Điểm a Khoản 5, Điểm b, c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Xe máy, mô tô vi phạm quy định về dừng đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 đến 3 tháng (Điểm e, khoản 4 và Điểm b Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Máy kéo, xe máy chuyên dùng khi vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, đồng thời tạm tước một số giấy tờ sau:
- Quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo). Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng);
- Thời gian tạm tước các loại giấy tờ trên từ 1 tháng đến 3 tháng. Trường hợp gây tai nạn sẽ bị tước từ 2 đến 4 tháng (Điểm đ Khoản 5; Điểm a, b Khoản 10 Điều 7).
Nếu vượt đèn đỏ, xe đạp, xe đạp máy và cả xe đạp điện sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng (điểm đ khoản 2 Điều 8).
Người đi bộ vượt đèn đỏ cũng sẽ bị phạt hành chính như khi điều khiển các phương tiện khác, vì hành vi này cũng gây ra nhiều mối nguy hiểm khi giao thông. Cụ thể, mức phạt cho người đi bộ vượt đèn đỏ là từ 60.000 – 100.000 đồng (điểm b khoản 1 Điều 9).
Pháp luật còn quy định vượt đèn vàng cũng coi như là vi phạm trong một số trường hợp.
Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ giải thích tín hiệu đèn giao màu vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.
Nếu người điều khiển xe chưa đi quá vạch dừng xe khi đèn vàng bật sáng nhưng vẫn cố tình đi tiếp sẽ phạm lỗi vượt đèn vàng và bị xử phạt; trừ trường hợp xe vẫn chưa đi quá vạch dừng xe nhưng nếu dừng lại sẽ gây nguy hiểm cho mình hoặc cho phương tiện khác.
Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ và chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường hoặc các phương tiện khác.