Những điều cần biết về hợp đồng theo pháp luật dân sự
Mục lục
Hợp đồng là tài liệu được áp dụng cho hầu hết mọi hoạt động, giao dịch dân sự được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự. Bản chất của hợp đồng là gì? Pháp luật có những quy định nào để điều chỉnh khi giao kết hợp đồng? Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Hợp đồng là gì?
Hợp đồng là hình thức thể hiện của giao dịch dân sự, được định nghĩa tại Điều 385 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:
“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Các đặc điểm của hợp đồng dân sự
Có thể hiểu, đặc điểm của hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành bao gồm các yếu tố:
- Là một sự kiện pháp lý làm phát sinh hậu quả pháp lý
- Thể hiện sự đồng thuận, thống nhất, tự nguyện của các bên giao kết và phù hợp với ý chí của Nhà nước.
- Nội dung của hợp đồng phải thể hiện đầy đủ những quyền lợi, nghĩa vụ, phương thức thực hiện…mà các bên đã đi đến thống nhất thỏa thuận
- Hình thức hợp đồng phải tuân thủ theo cách thể hiện nhất định, thông thường là lập thành văn bản
Một số loại hợp đồng dân sự phổ biến
Theo quy định hướng dẫn tại Điều 402 Bộ Luật Dân sự 2015, các loại hợp đồng chủ yếu được liệt kê bao gồm:
“1. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.
2. Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ.
3. Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
4. Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.
5. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.
6. Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.”
Nội dung của hợp đồng theo pháp luật Dân sự
Các bên giao kết hợp đồng được tự do xác lập các thỏa thuận với nhau trên hợp đồng, tuy nhiên cần đảm bảo được những nội dung thỏa thuận chủ yếu mà một hợp đồng cần phải có như:
- Đối tượng của hợp đồng
- Số lượng, chất lượng
- Giá, phương thức thanh toán
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng
- Quyền, nghĩa vụ của các bên
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
- Phương thức giải quyết tranh chấp
Quy định về hiệu lực hợp đồng
Hiệu lực hợp đồng cũng được hướng dẫn quy định cụ thể tại Điều 401 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:
“1. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
2. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.”