Những quy định về sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông
Mục lục
Trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông, đã có rất nhiều người sử dụng rượu, bia. Điều này đã trở thành thực trạng chung, gây nên ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến các cá nhân khác, thậm chí sâu xa hơn là đến toàn thể xã hội. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng này, pháp luật đã đưa ra những quy định về sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Từ đó, góp phần đem đến cho mọi người một môi trường giao thông an toàn, lành mạnh.
1. Tại sao cần nắm rõ quy định của pháp luật về sử dụng đồ uống có cồn?
Theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, tính đến thời điểm tháng 8 năm 2022, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan đến rượu bia. Đặc biệt, cứ trong số 100 nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia thì độ tuổi từ 15 – 29 chiếm gần 60%.
Với con số vừa nêu trên thì đây chính là một hiện tượng xã hội vô cùng tiêu cực. Đa phần những người bị tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia được xác định là ở độ tuổi khá trẻ. Những đối tượng này thường sử dụng rượu bia thiếu kiểm soát, lại điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông cho nên hậu quả không may có thể xảy ra là điều dễ hiểu.
Vì vậy, mỗi cá nhân cần phải hiểu rõ những quy định của pháp luật về sử dụng rượu bia trong quá trình tham gia, điều khiển phương tiện giao thông. Từ đó, nắm bắt được các chế tài xử phạt dùng rượu bia để tránh gây ra tai nạn giao thông làm tổn thất tiền của, tính mạng cho chính mình và toàn thể xã hội.
2. Những quy định về sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông
Hiện nay, pháp luật không hạn chế việc người dùng sử dụng bao nhiêu lít rượu, bia. Tuy nhiên, đối với hành vi uống rượu, bia nhưng lại tham gia giao thông thì tuyệt đối nghiêm cấm vì có thể gây ra tai nạn giao thông. Sau đây chúng tôi sẽ đưa ra một số quy định về mức phạt cụ thể đối với từng loại phương tiện và các vấn đề pháp lý liên quan.
2.1. Đối với trường hợp điều khiển phương tiện là ô tô
Trong trường hợp điều khiển phương tiện là ô tô, căn cứ theo Điều 5 Nghị định 123/2021/NĐ – CP, được sửa đổi bổ sung từ Nghị định 100/2019/NĐ – CP, xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau:
- Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 milit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/100 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 milit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 milit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
2.2. Đối với trường hợp điều khiển phương tiện là xe máy
Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 123/2021/NĐ – CP, được sửa đổi bổ sung từ Nghị định 100/2019/NĐ – CP, xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, gắn máy khi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Theo đó, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 milit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Đồng thời, tại khoản 7 của Điều 6 Nghị định này còn phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít hơi thở.
Ngoài ra, sẽ phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 milit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện trong trường hợp này còn phải chịu hình thức phạt bổ sung. Việc chịu chế tài tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe sẽ tùy theo từng mức độ vi phạm và gây ra tai nạn giao thông, cụ thể được quy định tại khoản 10 Điều 6 của Nghị định này.
2.3. Sử dụng rượu bia tham gia giao thông gây tai nạn bị phạt tù không?
Trong trường hợp sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông gây ra tai nạn, người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Mức phạt nhẹ nhất là 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Tuy nhiên, khung hình phạt nặng nhất đối với tội danh này sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2.4. Sử dụng rượu bia gây tai nạn làm thiệt hại tài sản có phải bồi thường không?
Theo Điều 596 Bộ luật Dân sự 2015, người nào uống rượu bia khi tham gia giao thông gây tai nạn giao thông thì phải bồi thường, cụ thể như sau:
“Điều 596. Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra
1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.
2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”