Quy định về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Thoạt mới nghe, có lẽ nhiều bạn sẽ bị nhầm lẫn giữa tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với tội cướp giật tài sản, tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có những đặc điểm riêng giúp phân biệt với hai tội còn lại.
Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản một cách công khai.
Theo Điều 137 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009 về Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản quy định như sau:
“1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
- a) Hành hung để tẩu thoát;
- b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
- c) Tái phạm nguy hiểm;
- d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
- a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
- b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
- a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
- b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.”
Đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là tính chất công khai của hành vi phạm tội. Người phạm tội có hành vi chiếm lấy tài sản của người khác một cách công khai mà không cần chạy thoát khỏi sự đuổi bắt của người quản lý. Người phạm tội không cần giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết ngay người lấy tài sản của mình ( biết mà không thể giữ được).
Ví dụ: A và các bạn đang chèo thuyền trên hồ, B thấy xe máy của A để trên bờ vẫn cắm chìa khoá đã đến lấy phóng đi trước sự chứng kiến của A và các bạn nhưng vì đang ở dưới thuyền nên A không làm gì được.
Có thể sự vướng mắc của nạn nhân có thể do chủ quan hoặc khách quan, như đang tắm sông, thiên tai, chỗ đông người hoặc những hoàn cảnh khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn …Tuy nhiên, những sự vướng mắc này phải là do khách quan hoặc do người khác gây ra chứ không phải do người phạm tội gây ra.
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có 4 khung hình phạt và một hình phạt bổ sung. Trong đó, mức thấp nhất là phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, mức cao nhất là phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được nhà làm luật quy định thành một tội phạm độc lập do yêu cầu của thực tiễn xét xử đặt ra.