Tố tụng là gì? Các thủ tục tố tụng ở Việt Nam
Mục lục
Có thể nói tố tụng là gì vẫn là câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc khi tìm hiểu về các quy định pháp luật trong các ngành luật tố tụng. Mỗi ngành luật có quy định về thủ tục tố tụng riêng biệt; trên cơ sở tuân thủ quy định của Hiến pháp, pháp luật và các quy định đường lối của Đảng và Nhà nước. Trong bài viết này chúng tôi thông tin đến các bạn Tố tụng là gì và các thủ tục tố tụng ở Việt Nam được quy định như thế nào.
1. Tố tụng là gì?
Tố tụng là một bộ phận pháp luật quy định tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến trình tự, thủ tục tố tụng bao gồm tố tụng hành chính, tố tụng hình sự và tố tụng dân sự,…
Thủ tục tố tụng được quy định bởi một quy trình có trật tự mà những người tham gia có thể đưa ra bằng chứng chứng minh cho yêu cầu của họ và tranh luận để diễn giải cụ thể yêu cầu và hoàn cảnh cụ thể của họ. Sau đó những cá nhân, cơ quan đóng vai trò phán xét sẽ có trách nhiệm đưa ra phán quyết dựa trên những vấn đề thực tiễn và pháp lý.
Thực tế thủ tục tố tụng mang đậm nét quyền uy, trong đó nhà nước áp đặt quyền lực của mình dựa trên những bản án, quyết định của cơ quan thi hành án đối với các đương sự trong tố tụng.
Hiện nay ở nước ta có 3 loại hình tố tụng bao gồm: Tố tụng dân sự, Tố tụng hình sự, Tố tụng hành chính.
Các thủ tục tố tụng trên vừa mang những nét riêng vừa phải đảm bảo những nguyên tắc chung của pháp luật Việt Nam như:
- Đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa;
- Đảm bảo quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật;
- Đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân;
- Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân;
- Đảm bảo sự vô tư của những người tiến hành và người tham gia tố tụng;
- Thẩm phán và Hội đồng xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật;
- Tòa án xét xử tập thể và công khai;
- Thực hiện chế độ hai cấp xét xử, giám đốc thẩm và tái thẩm;
- Tuân thủ việc thi hành bản án sau khi đã có quyết định, bản án của Tòa án.
2. Thủ tục tố tụng Hình sự, Dân sự, Hành chính
2.1. Thủ tục tố tụng Hình sự
2.1.1. Giai đoạn khởi tố
Là giai đoạn đầu của tố tụng hình sự, các cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có tội phạm để đưa ra những quyết định như sau:
– Khởi tố vụ án hình sự: Khi xác định có dấu hiệu tội phạm cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Kể từ khi ra quyết định khởi tố Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều tra để điều tra.
– Điều tra vụ án hình sự: Nhiệm vụ của giai đoạn điều tra là: xác định tội phạm và người thực hiện tội phạm; xác định thiệt hại do tội phạm gây ra; xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.
– Khởi tố bị can: Sau khi có căn cứ xác định một người thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố bị can. Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho Cơ quan điều tra.
2.1.2. Giai đoạn truy tố
Kể từ khi nhận được hồ sơ vụ án Viện kiểm sát phải đưa ra những quyết định sau: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng; Trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án. Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn, nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2.1.3. Giai đoạn xét xử
Giai đoạn này bao gồm:
– Xét xử sơ thẩm: Thủ tục bắt đầu phiên tòa, Thủ tục xét hỏi tại phiên tòa, thủ tục tranh luận, Thủ tục nghị án và tuyên án.
-Xét xử phúc thẩm: Thủ tục phúc thẩm được thực hiện khi có kháng cáo hoặc kháng nghị bản án của Tòa án sơ thẩm.
– Thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
– Xét lại các bản án và quyết định có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.
2.2. Thủ tục tố tụng dân sự
2.2.1 Thụ lý vụ án
Thủ tục tố tụng dân sự bắt đầu khi có đơn khởi kiện. Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Sau khi nhận đơn Tòa án phải đưa ra một trong những phán quyết sau: Thụ lý vụ án, chuyển đơn khởi kiện, trả lại đơn khởi kiện.
2.2.2 Hòa giải vụ án
Trừ những trường hợp không được hòa giải, nếu hòa giải không thành thì tiếp tục đưa vụ án ra giải quyết.
2.2.3. Chuẩn bị xét xử
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Tùy trường hợp thẩm phán đưa ra những quyết định sau: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đưa vụ án ra xét xử.
2.2.4. Mở phiên tòa xét xử
– Thủ tục tiến hành sơ thẩm: Chuẩn bị khai mạc phiên tòa, tranh tụng tại phiên tòa, nghị án và tuyên án, Thủ tục Giám đốc thẩm, Thủ tục tái thẩm. Thi hành án dân sự theo quyết định, bản án có hiệu lực của pháp luật.
3.3. Thủ tục tố tụng hành chính
3.3.1. Thụ lý vụ án
Sau khi nhận đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, nếu Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện xét thấy vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thì thông báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí; trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì thông báo cho người khởi kiện biết về việc thụ lý vụ án.
3.3.2. Chuẩn bị xét xử
Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án, trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri được quy định như sau: Quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc quyết định giải quyết khiếu nại vụ việc.
3.3.3. Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, các quyết định được đưa ra trong giai đoạn này bao gồm: Tạm đình chỉ giải quyết vụ án; Đình chỉ giải quyết vụ án; Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Sau khi tranh tụng tại tòa thì Tòa sẽ Nghị án và tuyên án.
3.3.4. Xét xử phúc thẩm
Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
3.3.5. Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính
Giám đốc thẩm là thủ tục chỉ được tiến hành khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị chủ thể có thẩm quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp đương sự không đồng tình với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì họ chỉ có quyền đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực theo thủ tục giám đốc thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
3.3.6. Tái thẩm vụ án hành chính
Tái thẩm vụ án hành chính là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó. Trong trường hợp đương sự không đồng tình với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì họ chỉ có quyền đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực theo thủ tục tái thẩm.