Điểm mới về tội phạm tham nhũng
Mục lục
Bộ luật Hình sự 2015 đã kế thừa BLHS 1999 khi quy định các hành vi phạm tội tham nhũng bao gồm 7 tội danh với nhiều nội dung mới liên quan đến tội tham nhũng. Việc quy định này góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm và an ninh quốc gia. Bài viết hôm nay chúng tôi muốn đưa đến quý bạn đọc những điểm mới của nhóm tội tham nhũng trong Bộ luật hình sự 2015.
1. Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung tên chương, mục
BLHS 1999 quy định tại Chương XXI: Các tội phạm về chức vụ; Mục A – Các tội phạm về tham nhũng còn BLHS 2015 quy định tại Chương XXIII: Các tội phạm về chức vụ; Mục 1 – Các tội phạm tham nhũng. Như vậy tên mục của BLHS 2015 về tội phạm tham nhũng ngắn gọn hơn nhưng vẫn thể hiện đầy đủ nội dung, ý nghĩa.
2. Bộ Luật Hình sự 2015 đã mở rộng phạm vi chủ thể của tội phạm tham nhũng.
Các quy định của BLHS năm 1999 mới chỉ dừng lại đối với các hành vi tham nhũng khi đối tượng và công chức viên chức nhà nước mà chưa ghi nhận về tội phạm tham nhũng trong khu vực tư. Điều này phù hợp với quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.
BLHS 2015 đã mở rộng khái niệm tội phạm tham nhũng bao gồm cả các tội phạm tham nhũng trong khu vực tư, cụ thể là mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm không chỉ là người có chức vụ trong khi thực hiện “công vụ”, mà còn là người có chức vụ trong khi thực hiện “nhiệm vụ” tức tất cả cá nhân có nhiệm vụ đều có thể là đối tượng của tội phạm tham nhũng.
Đối với tội phạm tham nhũng ngoài nhà nước, tại BLHS 2015 quy định 2 tội: Tội tham ô tài sản và Tội hối lộ tại hai điều luật là Khoản 6 Điều 353 và Khoản 6 Điều 354.
3. Mở rộng khái niệm “của hối lộ” và lợi ích được đưa, nhận bất chính
Bộ Luật Hình sự 1999 xác định “của hối lộ” phải là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá được bằng tiền. Tuy nhiên, trong thực tế đấu tranh phòng, chống tham nhũng xuất hiện những lợi ích khác như lợi ích về mặt tinh thần như tình dục, thăng cấp, bằng khen… cũng được các đối tượng hối lộ nhằm đạt được mục đích của mình.
Vì vậy, Bộ Luật Hình sự 2015 bổ sung thêm các lợi ích tinh thần vào cấu thành tội phạm đối với tội nhận hối lộ, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và một số tội phạm khác về chức vụ như tội đưa hối lộ, tội môi giới hối lộ và tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
4. Bổ sung quy định hối lộ công chức nước ngoài; bên thứ ba hưởng lợi.
Khoản 6 Điều 364 quy định về đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài. Việc quy định này phù hợp với Công ước Chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc.
Việc quy định cụ thể vấn đề bên thứ ba hưởng lợi tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các hành vi hối lộ trong những trường hợp của hối lộ không được thụ hưởng bởi chính người có chức vụ, quyền hạn mà bởi người hoặc tổ chức khác với sự chấp nhận của người có chức vụ, quyền hạn và điều đó nhằm vào việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn.
5. Bổ sung việc không áp dụng thời hiệu
Điều này đồng nghĩa với việc bất cứ thời điểm nào phát hiện tội phạm đều có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để thể hiện rõ thái độ kiên quyết đến cùng trong xử lý tội phạm tham nhũng thì Điều 28 BLHS năm 2015 bổ sung hai trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô tài sản quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353, tội nhận hối lộ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354.
Điều 61 của BLHS 2015 đã bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.