Xử lý xâm phạm thân thể
Mục lục
Con người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể khỏi bất cứ hình thức nào có thể xâm hại đến thân thể. Tuy rằng, pháp luật đã có những quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của công dân, nhưng trên thực tế vẫn luôn tồn tại những hành vi vi phạm quy định của pháp luật, xâm hại đến quyền con người. Trong phạm vi bài viết này, Phan Law Vietnam xin đưa ra những phân tích về hành vi xâm phạm thân thể người khác để bạn đọc có thêm những thông tin cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân và những người xung quanh.
1. Trách nhiệm hình sự khi xâm phạm thân thể
Để bảo vệ về quyền con người, đặc biệt là quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân thì pháp luật Việt Nam cũng đã quy định về biện pháp xử lý đối với những hành vi vi phạm. Như trong Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, đã quy định rất đầy đủ, cụ thể về mô tả các hành vi xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, đồng thời quy định các biện pháp xử phạt thích đáng tương ứng với từng hành vi vi phạm đó.
Cụ thể được quy định tại Chương XIV của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Có thể kể đến một số điều như: tội giết người (Điều 123), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), tội hiếp dâm (Điều 141),… Tại chương này, những hành vi cố ý gây thương tích, hành vi xâm hại đến thân thể của người khác đều được liệt kê và được áp dụng biện pháp trừng trị thích đáng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi. Biện pháp được áp dụng từ nhẹ nhất là phạt cảnh cáo, phạt tiền đến phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn đến tù chung thân và nặng nhất là tử hình.
2. Mức xử phạt khi xâm phạm thân thể
Như đã đề cập, tương ứng với từng tội danh, tính chất phạm tội và hậu quả gây ra mà sẽ có khung hình phạt khác nhau. Bộ luật Hình sự hiện hành đã liệt kê các tội danh xâm phạm thân thể, có thể kể đến như:
Thứ nhất, tội giết người
- Khung 1: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
- Khung 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;
- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Lưu ý: Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Thứ hai, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
- Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
- Khung 2: Phạt tù từ 02 năm đến 06 năm
- Khung 3: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm;
- Khung 4: Phạt tù từ 07 năm đến 14 năm;
- Khung 5: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Lưu ý: Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Thứ ba, tội hiếp dâm
- Khung 1: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
- Khung 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;
- Khung 3: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân;
- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Lưu ý: Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
3. Luật sư bào chữa/bảo vệ quyền lợi tại Phan Law Vietnam
Luật sư bào chữa/bảo vệ quyền lợi tại đơn vị luôn nỗ lực hết mình để bảo vệ cho thân chủ, cụ thể như sau:
- Khi tiếp nhận vụ án: Tư vấn các quy định, phân tích và xác định rõ tình trạng pháp lý. Đồng thời, đưa ra lời khuyên bảo vệ quyền lợi ích, nhằm tránh và giảm thiểu những rủi ro về pháp lý;
- Giai đoạn điều tra: Tham gia hỏi cung để tránh bị ép cung, nhục hình, ép khai không đúng sự thật. Hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ có lợi cho thân chủ;
- Giai đoạn truy tố: Làm việc với Viện kiểm sát, yêu cầu điều tra lại, điều tra bổ sung nếu thấy cần thiết;
- Giai đoạn xét xử: Nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên xét xử, hỏi, trình bày luận cứ và tranh luận tại phiên Tòa để làm rõ vụ án. Và đưa ra chứng cứ, các lập luận để chứng minh thân chủ vô tội hoặc đề nghị tăng/giảm nhẹ tội;
- Kháng cáo, kháng nghị: Soạn thảo đơn và tiếp tục tham gia phiên tòa phúc thẩm để bảo vệ thân chủ.