Xử phạt kích điện theo quy định của pháp luật hiện hành
Mục lục
Sử dụng các dụng cụ kích điện để khai thác, đánh bắt cá là cách thường xuyên được sử dụng. Tuy nhiên, đây lại là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định pháp luật. Hoạt động xử phạt kích điện được quy định tại Luật Thủy sản hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan khác. Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu chi tiết hơn về mức phạt cho hành vi kích điện nay trong nội dung bài viết dưới đây.
Kích điện để khai thác thủy sản được hiểu là gì?
Hoạt động kích điện để khai thác thủy sản là hành vi thông qua bộ cấp điện và thiết bị truyền dẫn điện nhằm tạo ra xung điện trong phạm vi cố định, từ đó gây giật, sốc hàng loạt làm tê liệt cá để dễ dàng đánh bắt chúng. Hoạt động này còn được gọi là chích điện, chích cá, xiệt cá, xung điện…tùy vào từng địa phương.
Trong lĩnh vực khai thác, hoạt động thủy sản, pháp luật có nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó tại khoản 7 Điều 7 Luật Thủy sản 2017 có nêu hành vi:
“Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.”
Hoạt động khai thác thủy sản thông qua kích điện, xung điện sẽ gây nguy cơ tận diệt đối với các sinh vật trong phạm vi đánh bắt, chưa kể đến mức độ gây nguy hiểm đến tính mạng con người khi sử dụng nguồn điện không đảm bảo an toàn. Đối với những hành vi này, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả để lại sẽ bị xử phạt kích điện khác nhau.
Mức xử phạt kích điện theo quy định pháp luật
Thông thường, việc xử phạt kích điện sẽ được áp dụng biện pháp xử lý hành chính đầu tiên. Đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền, đồng thời sẽ có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung khác. Mức xử phạt kích điện, sử dụng điện để khai thác thủy sản được nêu rõ tại Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.
3. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản như sau:
a) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1,2, 3 và 4 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.”