Quy định về mức xử phạt kích điện năm 2020
Mục lục
Tình trạng sử dụng kích điện hoặc dòng điện để khai thác thủy hải sản đang diễn ra ngày càng nhiều. Đây là hành vi rất nguy hiểm, gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì tùy theo mức độ, tính chất vi phạm về việc dùng kích điện mà có mức xử phạt phù hợp. Bài viết dưới đây sẽ tư vấn cho các bạn về mức xử phạt kích điện.
Sử dụng kích điện để đánh bắt cá có vi phạm pháp luật không?
Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 quy định về việc cấm mọi chủ thể thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép và sử dụng những chất nổ, xung điện, chất độc để đánh bắt thủy sản
Tiếp đó, Luật thủy sản 2017 cũng quy định về việc cấm sử dụng dòng điện, xung điện để khai thác thủy sản. Cụ thể tại khoản 7 Điều 7 Luật Thủy sản 2017, quy định cấm các hành vi sử dụng xung điện, dòng điện,… để khai thác đánh bắt thủy sản
Như vậy, việc sử dụng kích điện hoặc dòng điện để khai thác đánh bắt thủy sản là hành vi vi phạm pháp luật.
Dùng kích điện để đánh bắt cá bị xử phạt ra sao?
Căn cứ Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP, dùng kích điện để khai thác thủy sản bị xử phạt như sau:
Thứ nhất, hình thức phạt tiền
- Từ 3.000.000 đồng cho đến 5.000.000 đồng: sử dụng công cụ kích điện để khai thác nhưng không sử dụng tàu cá
- Từ 10.000.000 đồng cho đến 15.000.000 đồng: tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác
- Từ 15.000.000 đồng cho đến 20.000.000 đồng: tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện ở trên tàu để thực hiện khai thác
- Từ 20.000.000 đồng cho đến 30.000.000 đồng: Tàu đánh bắt cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét cho đến dưới 15 mét có sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu để thực hiện khai thác
- Từ 30.000.000 đồng cho đến 40.000.000 đồng: tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu để thực hiện khai thác
- Từ 40.000.000 đồng cho đến 50.000.000 đồng: sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, hình thức xử phạt bổ sung
Tùy vào từng mức độ vi phạm mà có các hình thức xử phạt bổ sung như sau:
- Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ: Đối với tất cả hành vi vi phạm như trên
- Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng: Đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản hoặc sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự
Cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt kích điện đánh bắt thủy sản?
Theo quy định tại Chương 3 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, tùy theo hành vi phạm và mức xử phạt cụ thể mà các hành vi sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản sẽ thuộc thẩm quyền xử phạt của:
- Chủ tịch UBND các cấp
- Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản
- Chi cục trưởng Chi cục thủy sản có chức năng quản lý chuyên ngành về thủy sản
- Công an nhân dân
- Cảnh sát biển
- Bộ đội biên phòng
- Kiểm ngư
- Thanh tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc của Chi cục và Tổng cục Thủy sản.