Xử phạt xuất hoá đơn khống
Mục lục
Rất nhiều người quan tâm đến hoá đơn khống, xuất hoá đơn khống có bị đi tù hay không? Việc xuất hoá đơn khống ảnh hưởng đến việc quản lý doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung của cơ quan nhà nước. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu về xử phạt xuất hoá đơn khống.
1. Hoá đơn khống là gì?
Hoá đơn khống theo quy định của pháp luật là hoá đơn mà toàn bộ hoặc một phần nội dung trong đó không có thật.
Các trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn được quy định bao gồm:
– Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.
– Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.
Các trường hợp xuất khống hoá đơn như sau:
– Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.
– Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.
– Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
2. Xử phạt xuất hoá đơn khống
2.1. Xử phạt xuất hoá đơn khống không nhằm mục đích trốn thuế
Căn cứ theo Khoản 5 Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC thì hành vi xuất hoá đơn khống sẽ bị: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hoá đơn bất hợp pháp (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này) hoặc hành vi sử dụng bất hợp pháp hoá đơn (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này)”.
Như vậy hành vi không lập đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hoá đơn, không lập thông báo phát hành hoá đơn trước khi đưa vào sử dụng thì doanh nghiệp sẽ phải chịu phạt từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2.2. Xử phạt xuất hoá đơn khống nhằm mục đích trốn thuế
2.2.1. Doanh nghiệp trốn thuế dưới 100 triệu
Theo quy định tại Điều 17 Nghị Định 125/2020/NĐ-CP thì:
“1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
………
2. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
3. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.
4. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.
5. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
………”
Nếu doanh nghiệp có hành vi sử dụng hoá đơn khống để làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được miễn giảm hoặc hoàn thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2.2.2. Đối với doanh nghiệp trốn thuế trên 100 triệu
Đối với hành vi sử dụng hoá đơn khống để trốn thuế với mức thuế trên 100 triệu mà trước đó từng bị phạt từ 100-300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 02 năm.
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự tội trốn thuế cũng có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1,5 tỷ hoặc phạt tù từ 01 đến 03 năm.
3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn được quy định như sau:
“1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
……
b) Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được quy định như sau:
Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quy định tại Điểm c Khoản này thì thời hiệu được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.
Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại Điểm d Khoản này thì thời hiệu được tính từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm.
c) Hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn đang được thực hiện là các hành vi quy định tại Khoản 4, Điều 21; Điểm b, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 23; Khoản 2, Khoản 5, Điều 24; Điểm b, Khoản 3, Điều 25; Điểm b, Khoản 2 và Điểm b, c, d, Khoản 3, Điều 27; Điểm b, Khoản 5, Điều 29; Điểm b, Khoản 3, Điều 30 Nghị định này.
d) Hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn không thuộc trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc. Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày thực hiện hành vi vi phạm đó.
Đối với hành vi mất, cháy, hỏng hóa đơn nếu không xác định được ngày mất, cháy, hỏng hóa đơn thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày phát hiện hóa đơn bị mất, cháy, hỏng.
Đối với hành vi vi phạm về thời hạn thông báo, báo cáo về hóa đơn quy định tại Khoản 1, 3, Điều 21; Điểm a, b, Khoản 1 và Điểm c, d, Khoản 2, Điều 23; Khoản 1, 2 và Điểm a, Khoản 3, Điều 25; Khoản 1, Điểm a, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 và Điểm a, Khoản 5, Điều 29 Nghị định này thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày người nộp thuế nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn”.
Tất cả những hành vi trên có thời hiệu xử phạt là hai năm kể từ thời điểm tính hiệu lực được nêu trong các trường hợp cụ thể.