Các cấp xét xử trong tố tụng dân sự
Mục lục
Trong tố tụng dân sự có các thủ tục xét xử như sơ thẩm, phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm. Tuy nhiên giám đốc thẩm và tái thẩm chỉ là thủ tục xem xét lại vụ án chứ không phải là một cấp xét xử. Chính vì vậy trong tố tụng dân sự chỉ có hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm. Cùng chúng tôi tìm hiểu các cấp xét xử trong tố tụng dân sự.
1. Hoạt động xét xử của Tòa án
Hoạt động xét xử của Tòa án phải tuân thủ quy định của hiến pháp và pháp luật. Những nguyên tắc xét xử trong tố tụng dân sự như sau:
– Nguyên tắc độc lập tư pháp – Độc lập xét xử: Nguyên tắc này được xây dựng trên nội dung điều 103 Hiến pháp 2013 như sau:
2. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.
Việc độc lập được hiểu là độc lập của cả thẩm phán và hội thẩm trong quá trình xét xử chỉ tuân theo pháp luật.
Nguyên tắc độc lập có thể nhìn nhận ở hai khía cạnh: Các thẩm phán, hội thẩm độc lập với nhau khi xét xử. Thẩm phán và hội thẩm sẽ độc lập với các yếu tố bên ngoài.
Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự là quan hệ giữa Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan thi hành án, đương sự, người đại diện của đương sự, người phiên dịch, người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người giám định, người định giá tài sản và người liên quan phát sinh trong tố tụng dân sự.
Nguyên tắc của Bộ Luật tố tụng dân sự:
- Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Các chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác theo quy định tại Điều 4 Bộ Luật tố tụng dân sự;
- Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự: Xuất phát từ phương pháp định đoạt trong pháp luật dân sự thì đương sự có quyền quyết định việc có khỏi kiện hay không và Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện; Trong suốt quá trình khởi kiện đương sự cũng có quyền yêu cầu thay đổi hoặc chấm dứt việc khởi kiện;
- Quyền cung cấp chứng cứ chứng minh của đương sự được quy định tại Điều 6 Bộ Luật tố tụng dân sự. Tòa án chỉ có nghĩa vụ hỗ trợ thu thập chứng cứ chứng minh;
- Bình đẳng trong quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự. Tòa án tạo điều kiện cho đương sự thực hiện được tất cả quyền và nghĩa vụ của mình trước pháp luật;
- Hòa giải trong tố tụng dân sự: Được quy định trong điều 10 Bộ Luật tố tụng dân sự, xuất phát từ nguyên tắc tự định đoạt của các đương sự. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự.
2. Các cấp xét xử trong tố tụng dân sự
2.1. Xét xử sơ thẩm
Các bước xét xử sơ thẩm như sau:
– Thụ lý vụ án:
Theo quy định tại Điều 191 BLTTDS 2015 Tòa án phải nhận đơn khởi kiện của đương sự và ghi vào sổ nhận đơn.
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đơn, Chánh án tòa án phân công thẩm phán xem xét đơn.
Trong thời hạn 05 ngày làm kể từ ngày thẩm phán nhận đơn khởi kiện, Tòa án đưa ra các quyết định sau:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền;
- Trả lại đơn khởi kiện nếu không thuộc thẩm quyền.
– Chuẩn bị xét xử:
Thời hạn chuẩn bị xét xử: Thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì được phép gia hạn nhưng không quá 02 tháng.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:
- Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
- Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
- Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
- Đưa vụ án ra xét xử.
Trong vòng 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án phải mở phiên Tòa.
– Hòa giải vụ án: Nếu hòa giải thành thì ra quyết định hòa giải thành hoặc nếu hòa giải không thành thì đưa vụ án ra xét xử.
– Mở phiên Tòa xét xử: Thẩm phán Tòa án đưa phiên Tòa ra xét xử đúng thời gian địa điểm đã ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2.2. Xét xử phúc thẩm
Khi bản án của vụ án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp trên trực tiếp sẽ xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm.
2.2.1. Kháng cáo
– Người có quyền kháng cáo theo Điều 271 là: Đương sự; Người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
– Thời hạn kháng cáo: Đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
2.2.2. Kháng nghị
Thẩm quyền kháng nghị được quy định tại Điều 278: Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày. Đối với Viện kiểm sát cấp trên là 01 tháng kể từ ngày tuyên án.