Thông tư số 23/2022/TT-BNNPTNT chính thức có hiệu kể từ ngày 28/02/2023
Mục lục
Nước chiếm tới 80% cơ thể con người, do đó nước là một nguồn sống không thể thiếu của con người. Nước phục vụ từ hoạt động ăn uống đến sinh hoạt hàng ngày của con người. Vì vậy, nếu mất nước kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng sức khỏe của mỗi người dân. Nhận thấy được điều đó, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực kể từ ngày 28/02/2023 có nội dung yêu cầu có biện pháp cấp nước dự phòng nếu gián đoạn cấp nước trên 48 giờ.
1. Cấp nước an toàn là gì?
Cấp nước an toàn là việc hệ thống cấp nước cấp lượng nước đủ và ổn định, duy trì đủ áp lực để việc cấp nước được thực hiện liên tục, chất lượng của nước cung cấp phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật và việc cấp nước kiểm soát được các rủi ro xảy ra theo kế hoạch cấp nước an toàn đã được cơ quan nhà nước phê duyệt.
2. Công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung phải đảm bảo các yêu cầu gì?
Tại Thông tư số 23/2022/TT-BNNPTNT đã nêu rõ các yêu cầu cơ bản mà công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung bảo đảm cấp nước sạch phải có là:
Thứ nhất, công trình phải bảo đảm nước được cấp liên tục và ổn định, ngoài ra còn yêu cầu về số lượng nước cấp đạt con số mà pháp luật quy định để đảm bảo việc khách hàng có đủ nước để sử dụng và chất lượng nước phải đảm bảo các chỉ số pháp luật có quy định về nước tiêu dùng.
Thứ hai, các công trình thực hiện chức năng thu, xử lý, trữ và phân phối nước sạch đến khách hàng phải có quy định về quy trình, các thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật khi thực hiện quản lý, vận hành, bảo dưỡng các công trình này, để đảm bảo quá trình cung cấp nước không bị gián đoạn.
Thứ ba, phải có phương án kiểm soát các nguy hại, rủi ro hay sự cố có thể xảy ra (như các vấn đề xâm nhập nguồn nước sạch, hỏng đường ống cung cấp nước sạch hay có sự sai số khi vận hành) trong hệ thống từ nguồn nước sạch đến khách hàng. Đặc biệt phải có biện pháp cấp nước dự phòng để đảm bảo cuộc sống người dân không bị gián đoạn lớn nếu xảy ra trường hợp gián đoạn cấp nước trên 48 giờ.
Thứ tư, phải có cơ chế chế quản lý được quy định rõ ràng, phải tính toán doanh thu từ hoạt động cấp nước sạch đủ bù đắp chi phí (lắp đặt, quản lý và vận hành hệ thống) và có tích lũy để có chi phí phục vụ công tác duy tu, sửa chữa nhỏ tại các công trình và khắc phục các sự cố xảy ra khi cấp nước.
3. Kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnh bắt buộc những nội dung gì?
Khi làm kế hoạch cấp nước an toàn bạn cần phải trình bày các nội dung sau:
- Sự cần thiết của việc phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn như: sự cần thiết ra đời của kế hoạch cấp nước an toàn, các lợi ích của kế hoạch cấp nước mang lại,…
- Thực trạng việc cấp nước sạch của các công trình cấp nước trên địa bàn cấp tỉnh như: việc cấp nước chưa đạt đủ số lượng tiêu dùng hay các công trình còn xảy ra nhiều vấn đề cần khắp phục thường xuyên,…
- Các mục tiêu của kế hoạch cấp nước an toàn gồm: mục tiêu tổng quát (như giúp cung cấp nguồn nước sạch đến khách hàng) và mục tiêu cụ thể (như lượng nước sạch đạt chất lượng như thế nào? Số lượng cung cấp đạt bao nhiêu? Hiệu quả của công trình đạt chất lượng cao như thế nào?).
- Nội dung thực hiện cấp nước an toàn (cách vận hành hệ thống, các thông số kỹ thuật khi thực hiện cấp nước,…) và giải pháp thực hiện kế hoạch.
- Liệt kê danh mục các công trình cấp nước sạch tại khu vực nông thôn cấp tỉnh theo mẫu quy định theo Thông tư.
- Dự tính kinh phí phải chi trả khi thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.
- Nêu rõ trách nhiệm của cơ quan khi thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.
4. Cơ quan phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn với công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 23/2022/TT-BNNPTNT thì đơn vị cấp nước thực hiện việc phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn với từng công trình cấp nước sạch nộp thôn tập trung do đơn vị mình quản lý.
Việc thực hiện phê duyệt và thực hiện kế hoạch sẽ được thực hiện theo quy trình và mẫu văn bản thông tư quy định.
5. Yêu cầu về sử dụng nguồn nước an toàn
Để đảm bảo nguồn nước sử dụng là an toàn thì hệ thống cung cấp cấp nước sử dụng các nguồn nước là nước mặt, nước mưa và nước dưới đất để tạo ra nước sạch cung cấp cho khách hàng. Khi sử dụng nước nguồn đó phải đảm bảo theo hướng dẫn của cơ quan có chuyên môn khi xử lý để tạo ra nước sạch (với chất lượng trong, không màu, không mùi và không vị) và đảm bảo về số lượng nước cung cấp đủ. Ngoài ra các nước nguồn phải đảm bảo không bị ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt (như rác nilong, thức ăn hay vỏ trái cây,…), nông nghiệp (rơm rạ,thuốc trừ sâu,…), công nghiệp (dầu, hóa chất, kim loại,…) và làng nghề (nước thải, nhựa,…).
Ngoài ra, hệ thống cấp nước sạch phải có nguồn nước dự phòng ở những khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai (bão, lũ lụt hay hạn hán,…).