Những điều cần biết khi chọn luật sư bào chữa
Mục lục
Luật sư bào chữa vốn là người được xác định là sở hữu kiến thức pháp luật và kinh nghiệm chuyên môn cao. Họ sẽ thay mặt cho thân chủ tham gia vào hoạt động tố tụng hình sự để bảo vệ cho thân chủ của mình. Việc sử dụng các biện pháp phù hợp phản bác lại các chứng cứ buộc tội, truy tố đối với thân chủ của mình là trách nhiệm của một luật sư. Do vậy mà việc lựa chọn một luật sư tham gia vào hoạt động này là cực kỳ quan trọng. Nếu có bất kỳ nhầm lẫn nào trong quá trình tìm kiếm luật sư bào chữa sẽ dễ phát sinh ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Vị trí của luật sư bào chữa
Với tư cách là một trong những chủ thể tham gia vào quá trình tố tụng hình sự thì luật sư cũng có một vị trí nhất định. Cụ thể luật sư sẽ giữ vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo. Khi đảm nhận vị trí này cũng đồng nghĩa với việc luật sư sẽ theo cơ chế của người bào chữa trong một vụ án hình sự.
Người bào chữa là gì?
Điều 72 BLTTHS 2015 có một khái niệm cụ thể về vị trí của người bào chữa. Trong đó luật sư được xem là một trong những người có thể tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa. Đây là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Nói dễ hiểu hơn thì luật sư là người trực tiếp đứng ra bào chữa cho người đang bị buộc tội trong một vụ án hình sự. Luật sư có thể được chính thân chủ nhờ hoặc do Toà án trực tiếp chỉ định. Một người bị buộc tội có thể có nhiều luật sư bào chữa khác nhau. Đồng thời một luật sư cũng có thể bào chữa cho nhiều người trong cùng một vụ án. Tuy nhiên cần lưu ý là những người đó không được có quyền và lợi ích đối lập nhau.
Những người không được bào chữa
Người bào chữa nói chung và luật sư nói riêng nếu thuộc các trường hợp sau thì sẽ không được phép đảm nhận vị trí này:
– Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó
– Người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;
– Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Khi nào luật sư bào chữa tham gia tố tụng?
Nhằm bảo vệ tốt nhất cho thân chủ của mình thì một luật sư có thể tham gia vào quá trình giải quyết vụ án ngay từ giai đoạn khởi tố bị can. Đối với trường hợp bị bắt, tạm giữ thì tham gia từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Trường hợp cần giữ bí mật điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để tham gia từ khi kết thúc điều tra.
Nguyên tắc lựa chọn luật sư bào chữa
Thông thường luật sư hay người bào chữa sẽ do người bị buộc tội hoặc người liên quan lựa chọn. Khi chính thức giữ vai trò này, luật sư sẽ được xác lập các quyền và nghĩa vụ tương ứng. Nếu xác định được người đảm nhận vai trò này thì người bị bắt, tạm giữ gửi đơn yêu cầu. Sau thời hạn 12 giờ thì cơ quan đang quản lý có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp không nêu đích danh thì cơ quan đang quản lý chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
Trong thời hạn 24 giờ kể khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
Quyền thay đổi hoặc từ chối luật sư bào chữa
Bên cạnh quyền lựa chọn thì phía thân chủ còn có thêm được quyền thay đổi hoặc từ chối. Chủ thể được công nhận quyền này bao gồm:
– Người bị buộc tội;
– Người đại diện của người bị buộc tội;
– Người thân thích của người bị buộc tội.
Lưu ý, việc từ chối hoặc thay đổi bắt buộc phải có sự đồng ý của người bị buộc tội. Đồng thời phải được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định khác.