Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân phạm tội
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn các ảnh hưởng do hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong các lĩnh vực môi trường, buôn bán hàng lậu, hàng giả…do pháp nhân thương mại gây ra, các nhà làm Luật đã bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân phạm tội trong Bộ luật hình sự 2015.
Có thể bạn quan tâm
Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân phạm tội
————————————————————————————————————————————
Có thể hiểu một cách khái quát, trách nhiệm hình sự của pháp nhân phạm tội là những hậu quả pháp lý mà các pháp nhân phải gánh chịu khi thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự.
Trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội khi mà các pháp nhân phạm tội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, các nhà làm Luật đã tiến hành ghi nhận và đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp trong Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, tại Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2017) quy định, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm được quy định trong bộ luật, cụ thể:
“Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này”.
Các tội này của pháp nhân phạm tội rơi vào 02 chương của Bộ luật Hình sự 2015, đó là Chương XVIII – Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và Chương XIX – Các tội phạm về môi trường.
Việc pháp nhân phạm tội phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý do thực hiện các hành vi phạm tội mà mình gây ra không loại trừ việc các cá nhân cũng phải gánh chịu trách nhiệm hình sự. Hay nói một cách đơn giản, trong một tội bất kỳ thuộc Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2017) thì cả pháp nhân và cá nhân khi tham gia thực hiện hành vi phạm tội đều phải chịu trách nhiệm hình sự.
Các tội mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự 2015 chỉ mang tính chất tương đối. Bởi lẽ, trong mỗi giai đoạn phát triển của xã hội, quan điểm về tội phạm có thể sẽ thay đổi. Do đó, số lượng các tội mà pháp nhân phạm tội trong tương lai có thể được thêm vào hoặc bớt đi.
Tuy nhiên, việc Bộ luật Hình sự 2015 ghi nhận pháp nhân thương mại là một đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự như pháp nhân phạm tội không chỉ có ý nghĩa rất lớn trong việc răn đe, hạn chế việc vi phạm pháp luật của các pháp nhân thương mại khi thực hiện hoạt động kinh doanh mà nó còn góp phần giúp cho xã hội tránh được những hậu quả do các hành vi vi phạm đó gây ra.