Biện pháp bảo lãnh dân sự trong pháp luật hiện hành
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay, biện pháp bảo lãnh dân sự đang ngày càng phát huy những ưu thế của mình trong việc xác lập các giao dịch dân sự và thương mại. Để hiểu rõ hơn về biện pháp bảo lãnh, hãy cùng xem bài viết cụ thể dưới đây.
Bảo lãnh là người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015).
Chủ thể của bảo lãnh dân sự
Trong quan hệ bảo lãnh dân sự, các chủ thể tham gia mối quan hệ trong đó người có quyền là người nhận bảo lãnh, người thứ ba là người bảo lãnh và người có nghĩa vụ là người được bảo lãnh.
Bên bảo lãnh dân sự có thể là tổ chức, cá nhân có năng lực dân sự đầy đủ, có tài sản riêng. Ngoài ra, có thể có nhiều người bảo lãnh cho một cá nhân trong một quan hệ bảo lãnh.
Đối tượng của bảo lãnh dân sự
Trong quan hệ bảo lãnh dân sự là việc sử dụng một lợi ích vật chất của chủ thể này để đảm bảo lợi ích vật chất cho chủ thể khác. Vì vậy người bảo lãnh phải có đủ điều kiện mang đến lợi ích vật chất tương đương với lợi ích vật chất mà người nhận bảo lãnh có quyền nhận được từ người có nghĩa vụ. Lợi ích vật chất đó có thể là tài sản hoặc một công việc phải thực hiện.
Nếu đối tượng của bảo lãnh là công việc phải thực hiện thì trong trường hợp người có nghĩa vụ không thể thực hiện công việc thì người bảo lãnh phải thực hiện công việc đó.
Nếu nghĩa vụ của đối tượng dân sự là một khoản tiền hoặc một tài sản có giá trị thì nghĩa vụ của bảo lãnh là tài sản thuộc quyền sở hữu của người bảo lãnh.
Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh dân sự
Trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời hạn quy định thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thay thế cho bên được bảo lãnh.
Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì họ phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình (Điều 338 BLDS 2015).
Khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh dân sự, nếu không có thỏa thuận khác.