Các trường hợp chấm dứt sở hữu chung
Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản, vì nhiều lý do khác nhau mà phải chấm dứt quan hệ sở hữu đó, nếu không có cơ sở pháp luật thì không tránh khỏi các tranh chấp. Vì vậy, pháp luật đã quy định các trường hợp chấm dứt sở hữu chung để hạn chế xảy ra tranh chấp và bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể.
Tại Điều 220 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định 04 trường hợp chấm dứt sở hữu chung như sau:
Thứ nhất: Tài sản chung đã được phân chia
Trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu đều có quyền yêu cầu chia tài sản, việc chia tài sản này được bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau như một trong những chủ sở hữu đó muốn chia số tài sản đó để sang nước ngoài sinh sống hoặc cần một số tiền để đầu tư kinh doanh,…Nếu tình trạng sở hữu chung phải duy trì trong một thời hạn mà các chủ sở hữu đã thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác thì khi hết thời hạn đó các chủ sở hữu mới có quyền yêu cầu chia tài sản. Sau khi chia tài sản chung xong thì mỗi chủ sở hữu có một phần tài sản riêng của mình từ tài sản chung đó và chấm dứt quan hệ sở hữu tài sản chung.
Thứ hai: Một trong các chủ sở hữu chung được hưởng toàn bộ tài sản chung
Khi một trong các chủ sở hữu được hưởng toàn bộ tài sản chung thì các chủ sở hữu còn lại sẽ không có tài sản trong khối tài sản chung và các quyền, nghĩa vụ đối với tài sản chung đó cũng sẽ chấm dứt. Ví dụ như trong trường hợp các đồng sở hữu muốn chuyển giao tài sản của mình cho chủ sở hữu khác thì một trong các đồng chủ sở hữu đó có quyền ưu tiên mua lại, như vậy người mua lại số tài sản chung đó sẽ trở thành người hưởng toàn bộ tài sản chung và chấm dứt quan hệ sở hữu chung với các chủ thể đó.
Thứ ba: Tài sản chung không còn
Tài sản chung không còn được hiểu là tài sản đó không còn tồn tại nữa vì những lý do như bị tiêu hủy, thiêu rụi hoàn toàn, thiên tai lũ lụt… Vì vậy, trong trường hợp này pháp luật cũng quy định là một trong những căn cứ chấm dứt sở hữu chung.
Thứ tư: Trường hợp pháp luật có quy định khác
Pháp luật cũng quy định một số trường hợp khác là căn cứ để chấm dứt sở hữu chung, cụ thể như trong trường hợp vì lý do an ninh, quốc phòng, vì lợi ích quốc gia thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định trưng mua tài sản chung và khi đó sở hữu chung sẽ bị chấm dứt kể từ thời điểm quyết định trưng mua tài sản có hiệu lực pháp luật. Khi tài sản chung liên quan đến vi phạm hành chính hoặc do phạm tội mà bị tịch thu, sung quỹ nhà nước thì sở hữu chung đối với tài sản đó cũng bị chấm dứt từ thời điểm quyết định của cơ quan có thẩm quyền, bản án của Tòa án có hiệu lực.