Hành vi đe doạ đánh người có bị xử lý theo pháp luật không?
Mục lục
Hành vi đe doạ đánh người, hăm doạ dùng vũ lực với người khác là hành vi sai trái và bị cấm trong mọi tình huống theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hành vi đe doạ đánh người có thể để lại hậu quả nặng nề về mặt tinh thần cho người bị hại. Vậy mức chế tài cho hành vi đe doạ dùng vũ lực là gì?
1. Khái niệm về tội đe doạ đánh người
Bộ luật hình sự hiện hành chưa có quy định khái niệm về tội đe doạ đánh người; thay vào đó có quy định về tội đe doạ giết người được quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 được hiểu là hành vi uy hiếp tinh thần thông qua việc thông báo trước bằng những cách khác nhau sẽ làm hoặc không làm việc gây bất lợi cho họ hoặc cho người thân thích của họ nếu không thoả mãn các đòi hỏi nhất định.
Vậy đeo doạ đánh người là hành vi up hiếp tinh thần người khác thông qua việc thông báo trước sẽ thực hiện tác động vật lý lên họ bằng những hành vi cụ thể như lời nói hoặc hành động tác động lên người khác.
2. Quy định pháp luật về tội đe doạ
Hành vi này tương đối phức tạp vì ở các tình huống khác nhau sẽ cấu thành các tội danh khác nhau như sau:
2.1. Tội đe doạ giết người (Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)
Người có hành vi đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện. Vậy nếu ý chỉ chủ quan của người thực hiện hành vi có mong muốn làm người khác sợ hãi, tin vào việc người có hành vi đe doạ sẽ làm hoặc sẽ không làm gây bất lợi cho họ thì sẽ cấu thành tội danh này.
2.2. Tội vi phạm hành chính về an ninh, trật tự, an toàn xã hội ( Điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Trường hợp người thực hiện hành vi đe doạ sử dụng vũ lực nhưng không có yếu tố tước đoạt mạng sống người khác (doạ nạt đánh đập, chửi rủa…) thì sẽ không bị truy tố trách nhiệm hình sự mà bị xử phạt hành chính.
2.3. Tội giết người ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội ( Khoản 3 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)
Người có hành vi hăm doạ giết người mà có bằng chứng, căn cứ chứng minh được ý chí chủ quan của người đó có mục đích tước đoạt mạng sống của người khác (Có tìm kiếm, sửa soạn công cụ và phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm, thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.4. Trường hợp có hành vi đe doạ nhưng không cấu thành tội này
Hành vi đe doạ đánh đập hoặc giết người sẽ không cấu thành tội danh hăm doạ nếu người thực hiện hành vi nhằm mục đích cấu thành tội danh khác.
Ví dụ: A hăm doạ sẽ giết B nếu không đưa hết tiền và tài sản cho A. Mặc dù A thực hiện hành vi đe doạ giết người nhưng với nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của B; vì thế hành vi của A cấu thành tội cướp tài sản hoặc tội cưỡng đoạt tài sản.
3. Chế tài cho hành vi hăm doạ người khác
3.1. Xử phạt hành chính
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng cho hành vi khiêu khích, trêu ghẹ, xúc phạm, lăng mạ, bộ nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
3.2. Xử lý hình sự
3.2.1. Tội đe doạ giết người ( Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)
Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm cho hành vi đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện
Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đối với 02 người trở lên;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
- Đối với người dưới 16 tuổi;
- Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
3.2.2. Tội giết người giai đoạn chuẩn bị phạm tội ( Khoản 3 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)
Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu hành vi đe doạ giết người mà có căn cứ chứng minh ý chỉ chủ quan của họ có mục đích tước đoạt mạng sống của người khác.