Dấu hiệu nhận biết ”tội cưỡng đoạt tài sản”
Thời gian gần đây ở một số địa bàn trên phạm vi cả nước, tình trạng hoạt động của loại tội phạm cưỡng đoạt tài sản diễn biến phức tạp, gây bức xúc về trật tự xã hội. Tuy nhiên, nhiều người còn chưa rõ thế nào là cưỡng đoạt tài sản, hành vi như thế nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 170 BLHS 2015 quy định thì cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Đe doạ sẽ dùng vũ lực. Đe doạ sẽ dùng vũ lực là hành vi (lời nói hoặc hành động) làm cho người bị đe doạ sợ nếu không giao tài sản cho người phạm tội thì sẽ bị đánh đập tra khảo, bị đau đớn về thể xác.
Ví dụ:
Biết chị Dương Thị K vừa đi rút 500.000.000đ từ ngân hàng về, Bùi Văn A đã chặn đường và hăm doạ: “Đưa tiền cho tao nếu không ăn đòn”. Do trời tối đường lại vắng nên K rất sợ phải giao 500.000.000đ cho A.
Thông thường, người phạm tội có thể đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản nhưng cũng có thể đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với người khác (chủ yếu là đối với người thân của người có trách nhiệm với tài sản) nhằm cưỡng đoạt tài sản. Ví dụ: Nguyễn Đức T viết thư cho chị Nguyễn Kiều M với nội dung: “Nếu không giao cho M 20.000.000 đồng thì T sẽ chặn đường đánh cháu Trần Đức N hoặc sẽ bắt cóc cháu N đem bán ra nước ngoài. Vì sợ T thực hiện lời đe doạ nên chị M đã phải giao cho T số tiền mà T yêu cầu.
- Những thủ đoạn người phạm tội dùng để uy hiếp tinh thần người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản. Thông thường người phạm tội dùng những thủ đoạn như:
– Giả danh là cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội, Thuế vụ, Hải quan… để kiểm tra, bắt giữ, khám người có trách nhiệm về tài sản buộc họ phải giao nộp tiền hoặc tài sản. Ví dụ: Lợi dụng việc giả danh là cán bộ Đội Chống tệ nạn, Công an huyện Thanh Trì, Nguyễn Thanh Tùng đã mặc cảnh phục đến nhà nghỉ của ông Nguyễn Văn Tạch đe dọa, yêu cầu ông phải đưa 20.000.000đ cho hắn. ( nguồn
– Doạ sẽ huỷ hoại tài sản nếu người có trách nhiệm về tài sản không giao tài sản cho người phạm tội. Ví dụ: Dọa sẽ đốt nhà, đe dọa chặt phá cây cối , đập phá xe hoặc những tài sản khác…
– Đe dọa sẽ tố cáo hành vi sai phạm hoặc những bí mật đời tư của người có trách nhiệm về tài sản mà họ không muốn cho ai biết.
Ví dụ:
Biết A – cán bộ cấp cao, có ngoại tình với đồng nghiệp nữ. B (nhà báo) đã viết thư yêu cầu A phải giao cho B một số tiền, nếu không B sẽ viết báo về việc ngoại tình của A.
Có thể nói, cưỡng đoạt tài sản là tìm mọi cách làm cho người có tài sản hoặc người có trách nhiệm về tài sản sợ hãi phải giao tài sản cho người phạm tội. Đây là hành vi được thực hiện một cách trắng trợn, người phạm tội không có ý thức lén lút, che giấu với người có tài sản bị chiếm đoạt.