Hành vi lăng mạ cảnh sát giao thông bị xử phạt như thế nào?
Mục lục
Những vụ việc người dân cãi vã, thậm chí là lăng mạ, chống đối cảnh sát giao thông thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Điều này đặt ra câu hỏi: Hành vi thiếu văn hóa này sẽ phải đối mặt với những hậu quả pháp lý nào? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để trả lời câu hỏi trên.
1. Thế nào là hành vi lăng mạ cảnh sát giao thông?
Cảnh sát giao thông là người thực hiện nhiệm vụ điều khiển giao thông hoặc phục vụ trong một đơn vị kiểm soát giao thông, đường bộ thực thi quy định pháp luật về giao thông.
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Thông tư 65/2020/TT-BCA, Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ, quyền hạn trong tuần tra, kiểm soát như sau:
– Kiểm soát, tuần tra, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công;
– Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch kiểm soát, kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
– Phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật;
– Phối hợp hoặc chủ động với các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ và tham gia phòng chống khủng bố,phòng chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, cứu nạn, cứu hộ, chống biểu tình gây rối, giải quyết cháy nổ trên các tuyến giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
Lăng mạ cảnh sát giao thông là hành vi thể hiện sự thiếu tôn trọng một cách nghiêm trọng đối với người thi hành công vụ. Đây là hành vi sử dụng ngôn ngữ tục tĩu, chửi bới, xúc phạm hoặc các hành vi khiêu khích khác nhằm làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của cảnh sát giao thông khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Về bản chất, đây là hành vi cố ý, thể hiện sự coi thường pháp luật và quyền lực của người thi hành công vụ. Hành vi lăng mạ một người có thể tạo ra hiệu ứng những hành vi tương tự, gây mất ổn định xã hội. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra những tiêu cực trong quản lý trật tự xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn giao thông.
Lăng mạ cảnh sát giao thông là một hành vi đáng lên án và cần phải được ngăn chặn. Mỗi người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc tôn trọng pháp luật và người thi hành công vụ. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm.
Tham khảo: Mức xử phạt đối với tội làm nhục người khác trên mạng xã hội
2. Hành vi lăng mạ cảnh sát giao thông bị xử phạt như thế nào?
2.1. Xử phạt hành chính
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ sẽ bị xử lý như sau:
Thứ nhất, đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Thứ hai, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Không chấp hành hoặc cản trở yêu cầu thanh tra, kiểm soát, kiểm tra hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;
– Có hành động, lời nói đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
– Tổ chức, lôi kéo, xúi giục, giúp sức hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Thứ ba, phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Đe dọa dùng vũ lực, dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;
– Gây thiệt hại về phương tiện, tài sản của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;
– Đưa tài sản, tiền, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.
Theo đó, người nào có hành vi lăng mạ, chửi bới cảnh sát giao thông thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc xin lỗi công khai đối với hành vi có hành động, lời nói đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, năm 2021) về Tội làm nhục người khác như sau:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với người đang thi hành công vụ;
+ Lợi dụng quyền hạn, chức vụ;
+ Sử dụng phương tiện điện tử, mạng máy tính hoặc mạng viễn thông để phạm tội;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
+ Đối với người nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ, chữa bệnh cho mình;
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Làm nạn nhân tự sát;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, người có hành vi lăng mạ cảnh sát giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác với mức án phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Ngoài ra, hành vi lăng mạ cảnh sát giao thông có thể bị xử lý theo các quy định của pháp luật về chống đối người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng và các tội danh liên quan khác tùy theo tính chất của từng vụ việc.
3. Văn phòng luật sư tố tụng
Mỗi vụ án, một giải pháp. Với mỗi vụ việc pháp lý, đặc biệt là những vụ án liên quan đến tố tụng, đều tồn tại những tình tiết, tính chất riêng biệt đòi hỏi cách tiếp cận khác nhau. Việc đưa ra quyết định thiếu hiểu biết pháp luật có thể gây ra những hậu quả khó lường. Do vậy, bạn cần tìm đến sự hỗ trợ của luật sư – những người có chuyên môn. kiến thức và hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực pháp lý.
Văn phòng luật sư tố tụng cam kết sẽ đồng hành cùng bạn, phân tích kỹ lưỡng từng tình huống, đưa ra những lời khuyên pháp lý chính xác và xây dựng chiến lược tố tụng hiệu quả. Chúng tôi tin rằng, với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn sâu rộng, chúng tôi sẽ giúp bạn bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp.
Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để cùng tháo gỡ những rắc rối pháp lý mà bạn đang gặp phải!