Nhận diện hành vi cướp tài sản
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì các vấn đề xã hội cũng nổi lên mạnh mẽ đặc biệt là các tệ nạn xã hội, trong đó hành vi cướp tài sản đang có chiều hướng gia tăng và diễn ra phức tạp.
Như thế nào là cướp tài sản?
Cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. (Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015)
Dấu hiệu về mặt khách quan của tội cướp tài sản
Hành vi dùng vũ lực: Là hành vi người thực hiện cướp tài sản sẽ dùng sức mạnh vật chất tác động vào cơ thể của người bị hại như đấm, đá, chém, bóp cổ, trói,… để họ không còn khả năng chống cự lại người cướp tài sản.
Ví dụ:
Lúc giữa trưa Nam đang ngồi chờ xe buýt, thấy Lan đang đi học về một mình trên đường. Nam nảy sinh ý định cướp tài sản của Lan, sau đó Nam đã dùng một đoạn dây thừng trói Lan vào gốc cây rồi thực hiện hành vi lấy tiền, điện thoại, máy tính của Lan.
Hành vi đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc: Người thực hiện hành vi cướp tài sản dùng lời nói hoặc hành động để đe dọa người bị hại nếu không đưa tài sản thì hành động vũ lực sẽ được thực hiện ngay. Việc sử dụng vũ lực ngay hay không cũng rất khó xác định, tuy nhiên lời đe dọa này phải làm cho tâm lý người bị hại lo sợ và giao nộp tài sản, (ví dụ như đặt dao vào cổ, đe dọa người bị hại nếu không đưa tài sản sẽ bị giết).
Hành vi khác đối với người bị hại, không phải là dùng vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc. Thực tế, nó có thể là các hành vi như dùng thuốc ngủ, các loại thuốc gây mê (ví dụ: An đã bỏ thuốc ngủ vào cốc nước của Ba, khi Ba uống nước xong đã ngủ say không biết gì, sau đó An đã lấy tài sản của Ba).
Tài sản có thể bị cướp từ người bị hại thường là các đồ vật gọn, nhẹ, có giá trị cao như tiền, máy tính, xe máy, điện thoại…. và các đồ vật có giá trị khác.
Hành vi cướp tài sản có thể gây ra thương tích hoặc không thương tích, có thể dẫn đến chết người, mức độ bị hại về thân thể đối với người quản lý tài sản phụ thuộc vào các hành vi mà người cướp tài sản thực hiện trước, trong và sau khi nắm giữ được tài sản từ người quản lý tài sản.
Trong quá trình thực hiện hành vi cướp tài sản, nếu có người khác ngăn cản hoặc họ cảm thấy sự xuất hiện của những người khác là cản trở hành vi cướp tài sản của mình thì các đối tượng này sẵn sàng dùng vũ lực đối với những người đó. Hành vi cướp tài sản có ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự xã hội, do vậy cần có các biện pháp để hạn chế và trừng phạt thích đáng.