Những hậu quả từ việc ly hôn giả
Ly hôn giả là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số, hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân (Khoản 15 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Ly hôn giả được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Ví dụ như khi vay tiền, chỉ có một trong hai vợ chồng tự ký kết, thực hiện vay nợ. Sau thời gian do làm ăn thua lỗ, không có khả năng thanh toán nợ, họ đã dùng cách ly hôn giả nhằm thỏa thuận chia hết tài sản cho người không đứng ra vay tiền để người vay tiền không có đủ điều kiện trả nợ. Từ đó, họ không phải trả nợ mà vẫn bảo toàn được toàn bộ tài sản hiện có.
Ly hôn giả nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, được quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình 2014. Theo đó, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 35 Điều 1 Nghị định 67/2015/NĐ-CP sửa đổi Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP. Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số, hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Xử phạt hành chính chỉ là một trong những hậu quả pháp lý đối với hành vi ly hôn giả. Trên thực tế, ly hôn giả còn để lại những hệ lụy không thể ngờ tới. Bất kể việc ly hôn là giả hay thật, nhưng nếu đã có bản án, quyết định của tòa án thì đây sẽ là cơ sở để chứng minh việc chấm dứt quan hệ vợ chồng.
Từ đó, các quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân theo quy định pháp luật (như quyền nhân thân, quyền tài sản…) cũng bị chấm dứt. Nhiều trường hợp sau khi ly hôn giả, người này đã chia hết phần tài sản của mình cho người kia, về sau muốn đòi lại tài sản không được.
Hoặc nếu phát hiện vợ/chồng mình ngoại tình cũng không thể thực hiện các quyền nhân thân, quyền tài sản liên quan đến hôn nhân, vì về mặt pháp lý, hai người đã không còn là vợ chồng.
Về mặt đạo đức xã hội, kết hôn vốn luôn được xem là sự kết nối thiêng liêng giữa vợ chồng và việc ly hôn luôn là giải pháp cuối cùng khi đời sống hôn nhân không thể tiếp tục. Vì vậy, không chỉ luật pháp nghiêm cấm hành vi ly hôn giả, mà đạo đức xã hội cũng lên án việc vợ chồng ly hôn giả. Bởi lẽ, tình cảm hay hôn nhân không phải là thứ để lợi dụng đổi chác hay dành cho những mục đích bất chính, vụ lợi.