Những quyền lợi của người làm chứng
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã hoàn thiện hơn các chế định về người làm chứng, mở rộng quyền của họ và những biện pháp bảo đảm tố tụng cho các quyền đó. Tuy nhiên, hoạt động của tội phạm ngày càng có dấu hiệu nguy hiểm, quy định về quyền của người làm chứng thì không phải ai cũng biết. Vì vậy trong bài viết này, chúng tôi sẽ làm rõ hơn về chế định quyền người làm chứng trong tố tụng hình sự để mọi người có cái nhìn sâu hơn, đầy đủ hơn về quyền của người làm chứng.
Khái niệm người làm chứng được quy định Khoản 1 Điều 66 BLTTHS 2015:
“…Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.”
Quyền của Người làm chứng được quy định tại khoản 3 điều 66 BLHS 2015 :
“Người làm chứng có quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
b) Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;
d) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.”
Về quyền được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của mình. Đây là một trong những quyền cơ bản của công dân khi mà cơ quan điều tra triệu tập đến. Quyền yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm… vì khi đó người làm chứng có thể gặp nguy hiểm hoặc chịu những hậu quả bất lợi do việc họ tham gia tố tụng và khai báo về những tình tiết của vụ án liên quan bị can, bị cáo hoặc là người bị hại trong vụ án. Khi họ tham gia khai báo thì kể cả bản thân và những người thân bên cạnh người làm chứng có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy pháp luật quy định người làm chứng có quyền này là hợp lý.
Người làm chứng có quyền khiếu nại các quyết định, hành vi tố tụng liên quan đến việc tham gia làm chứng. Thực chất đây là quy định nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người làm chứng, là một quyền được cụ thể hóa trong hiến pháp nằm trong nhóm quyền dân sự chính trị. Được pháp luật tôn trọng và bảo vệ thực hiện. Quyền được thanh toán chi phí đi lại và các chi phí khác.
Do người làm chứng tham gia vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội, không phải vì tính chất công việc riêng họ. Nên việc thanh toán cho họ là hợp lý, hỗ trợ về kinh phí mà họ có thể làm ra trong khi đến cơ quan làm chứng, loại bỏ tâm lý “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà xưa nay người dân rất ngại tham gia. Từ đó thúc đẩy người làm chứng tích cực thực hiện nghĩa vụ của mình, góp phần giúp các cơ quan điều tra nhanh chóng phá án.