Rủi ro pháp lý với bitcoin
Tại Việt Nam, pháp luật vẫn chưa công nhận bitcoin là một loại tiền tệ, nên mọi giao dịch thanh toán bằng đồng tiền này đều bị coi là vi phạm pháp luật và phải chịu chế tài xử lý nghiêm khắc.
Khái niệm bitcoin được hiểu là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), được phân cấp dưới dạng phần mềm mở mã nguồn. Đồng tiền ảo này có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.
Dù chỉ mới phát triển mạnh trong thời gian gần đây, nhưng đồng tiền ảo bitcoin đã nhanh chóng trở thành sản phẩm đầu tư thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Sức nặng của tiền lời cùng với những lời mời chào hấp dẫn của những người môi giới về cơ hội làm giàu đã khiến cho thị trường bitcoin trở lên sôi động hơn bao giờ hết.
Theo quy định tại Khoản 6, Điều 4, Nghị định 101/2012, bổ sung bởi Nghị định 80/2016, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được thừa nhận hợp pháp bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Khoản 7, Điều 4 nhấn mạnh thêm: “Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 điều này”. Với quy định đó, bitcoin không được công nhận là một trong những phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc phát hành, cung ứng hay sử dụng bitcoin cũng sẽ bị xem là vi phạm pháp luật, bởi theo quy định của 2 nghị định trên, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.
Tùy tính chất và mức độ vi phạm, người có hành vi phát hành, cung ứng hoặc sử dụng bitcoin có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 150 – 200 triệu đồng (theo Nghị định 96/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng).
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn bị buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, như: không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm; buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh của pháp luật đối với thị trường tiền ảo bitcoin, Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 đã có những thay đổi phù hợp, điều chỉnh chặt chẽ hơn. Trước hết, tên của Điều 206 đã được sửa lại để phản ánh đúng hành vi được quy định trong điều này, là: “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”). Tiếp đến, nội dung của Khoản 1 cũng được điều chỉnh, bỏ bớt cụm từ “trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Nghĩa là theo quy định được sửa đổi này, bất kỳ người nào (không nhất thiết phải trong hoạt động của tổ chức tín dụng) nếu có hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp đều bị xử lý hình sự. Hình phạt đối với người phạm tội này, nhẹ nhất là bị phạt tiền 50 – 300 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nặng nhất là bị phạt tù từ 12 – 20 năm. Tuy nhiên, hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, và mức độ nặng, nhẹ của hình phạt tùy thuộc mức độ thiệt hại mà hành vi đó gây ra.
Tóm lại, đầu tư vào bitcoin tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người chơi buộc phải chấp nhận. Hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng đã dần hoàn thiện khung pháp lý để xử phạt đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp trên thị trường.