Thế nào là cướp giật tài sản có tính chất chuyên nghiệp?
Hiện nay, nạn cướp giật tài sản đang diễn ra rất phổ biến với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nhiều người đã coi đây là phương tiện kiếm sống của mình gây mất an toàn xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Do đó, để trừng trị nghiêm khắc loại tội phạm này, nhà làm luật đã dự liệu tình tiết “có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung tăng nặng của tội cướp giật tài sản.
Cướp giật tài sản được hiểu là hành vi nhanh chóng giật lấy tài sản của người khác một cách công khai rồi tìm cách tẩu thoát. Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi cướp giật tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết ngay người giật tài sản của mình.
Cướp giật tài sản có tính chất chuyên nghiệp được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 136 BLHS 1999. Theo đó, đây là tình tiết định khung tăng nặng của tội cướp giật tài sản có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm tù.
Căn cứ theo Mục 5 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự có hướng dẫn về tình tiết “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” như sau:
“5.1. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- a) Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích;
- b) Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.”
Tóm lại, phạm tội cướp giật tài sản chỉ bị coi là “có tính chất chuyên nghiệp” khi hành vi phạm tội của họ đáp ứng đủ cả 2 điều kiện nêu trên. Do đó, không phải cứ thực hiện hành vi cướp giật tài sản nhiều lần đều là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, mà phải xem xét việc thực hiện tội phạm của họ có thật sự là phương tiện sống hay không. Nếu phạm tội nhiều lần nhưng họ không lấy việc phạm tội làm nghề sinh sống thì không coi là có tính chất chuyên nghiệp. Bên cạch đó, nếu người phạm tội tuy có lấy việc phạm tội là phương tiện sống, nhưng chỉ cướp giật tài sản một lần còn những lần phạm tội khác không phải là cướp giật tài sản thì cũng không phải là cướp giật tài sản có tính chất chuyên nghiệp.
Ví dụ:
A là một kẻ sống lang thang không nghề nghiệp, thường tụ tập một số người cùng cảnh ngộ như mình chuyên cướp giật để sinh sống. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện năm vụ cướp giật tài sản. Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
Nhận biết được hai dấu hiệu này cũng giúp phân biệt phân biệt tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” với “phạm tội nhiều lần“, “tái phạm”, “tái phạm nguy hiểm”. Người phạm tội cướp giật tài sản có tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” sẽ bị phạt với mức án nghiêm khắc hơn người phạm tội không có tình tiết này. Quy định này nhằm trừng trị nghiêm khắc người phạm tội, đảm bảo an toàn, trật tự xã hội.