Thực trạng bạo lực gia đình hiện nay
Mục lục
Bạo lực gia đình đã biến nơi được xem là tổ ấm thành nơi đáng sợ nhất đối với những người yếu thế trong gia đính đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Thực trạng bạo lực gia đình hiện nay đã lên mức đáng báo động. Nó không chỉ gây tổn thương về mặt thể chất mà còn ảnh hưởng đến tính thần, tâm lý của người bị bạo hành, nhất là khi người gây ra lại chính là người thân của họ.
1. Thực trạng bạo lực gia đình hiện nay
Theo bài đăng trên báo Điện tử VTV đăng ngày 24/07/2021 có tựa đề “Hơn 30% phụ nữ từng hứng chịu bạo lực gia đình” thì số liệu thực trạng bạo lực gia đình như sau:
“Chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo hành đến đường dây nóng của Trung Tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tăng 130% so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam. Số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà bình yên, nhà tạm lánh thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tăng 80% so cùng kỳ năm 2020.”
Theo thống kê thì không chỉ phụ nữ, trẻ em mới là nạn nhân của bạo lực gia đình. 10% nam giới trưởng thành cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Bạo lực gia đình được xem là vấn nạn toàn cầu, chúng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em.
Theo quy định của pháp luật thì những hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
- Cưỡng ép quan hệ tình dục;
- Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
- Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình.
- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.
- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Bạo lực gia đình để lại những hậu quả nghiêm trọng:
– Đối với người gây ra bạo lực gia đình:
- Gây ảnh hưởng xấu đến tính cách cũng như cách cư xử đối với những người khác trong xã hội;
- Tạo giá trị ảo cho bản thân, nâng cao thái quá sức mạnh bản thân;
- Tạo ra thói quen bạo lực khi nóng giận;
- Bị gia đình né tránh, xã hội công kích, ghét bỏ;
- Có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
– Đối với người hứng chịu:
- Khi chúng chứng kiến hay hứng chịu bạo lực gia đình thì trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, sự hình thành nhân cách, trở nên lì lợm, phá phách, bỏ học,… chơi với bạn xấu, và nguy cơ dấn thân vào con đường phạm tội là rất lớn; dễ bị rủ rê sử dụng ma tuý,….
- Sức khoẻ tinh thần bị ảnh hưởng rất lớn, người hứng chịu bạo lực gia đình sẽ bị ám ảnh bởi bạo lực, gây trầm cảm, hoang mang, lo lắng và mất niềm tin vào cuộc sống;
- Sức khoẻ thể chất: người bị thương tích, tàn phế hoặc có thể tử vong.
– Đối với gia đình:
- Gây ra sự đổ vỡ trong hôn nhân; tình cảm giữa các thành viên trong gia đình rạn nứt;
- Gia đình đổ vỡ làm mất cân bằng xã hội.
– Đối với cộng đồng xã hội:
- Những vụ bạo hành gia đình gây hoang mang dư luận, làm suy thoái đạo đức xã hội;
- Gây mất trật tự xã hội, là cơ hội phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội, giảm sút nguồn lao động, cản trở sự phát triển và tiến bộ xã hội.
2. Những biện pháp hạn chế bạo lực gia đình
2.1. Tuyên truyền vận động
Đưa đến người dân những thông tin chính xác về thực trạng bạo lực gia đình, những hành vi nào được xem là bạo lực gia đình, bạo lực gia đình gây ra những hậu quả ra sao và những biện pháp xử lý của nhà nước đối với hành vi này.
Việc tuyên truyền phải sống động và dễ hiểu. Tư vấn góp ý, cung cấp kiến thức cho nạn nhân, người có hành vi bạo lực , người nghiện rượu,….
Hoà giải mâu thuẫn gia đình ở cấp cơ sở, nâng cao trách nhiệm của đoàn thể cấp cơ sở như liên hiệp hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân,….trong công cuộc hoà giải mâu thuẫn gia đình để tránh dẫn đến bạo lực.
Tuy nhiên tuyên truyền vận động phải phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hoá dân tộc.
Không ảnh hưởng đến quyền lợi của những công dân khác.
Những hình thức tuyên truyền vận động bao gồm:
- Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng;
- Áp dụng vào sách giáo khoa, trường học, tiết học ngoại khoá,….
- Thông qua những buổi biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng.
2.2. Xây dựng cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình
Tại Điều 26 của Luật Phòng chống Bạo Lực gia đình thì cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình được quy định như sau:
“1. Cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ là nơi chăm sóc, tư vấn, tạm lánh, hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân BLGĐ.
2. Cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ bao gồm:
a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Cơ sở bảo trợ xã hội;
c) Cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ;
d) Cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ;
đ) Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.”
Hiện nay những cơ sở này đã được nhân rộng rất nhiều, con số ghi nhận hiện nay đã lên đến 6.996 cơ sở. Cơ sở trợ giúp này hoạt động bao gồm: chăm sóc y tế, tư vấn tấm lý, pháp luật, cung cấp nơi ở và một số nhu cầu cần thiết của nạn nhân.
Ngoài ra pháp luật còn có quy định về việc khám chữa bệnh cho người bị bạo lực gia đình được bệnh viện bố trí và thông báo đến các cơ sở trợ giúp.