Tội phạm trong Luật Hình sự được hiểu như thế nào?
Mục lục
Luật Hình sự là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tập hợp những quy phạm pháp luật điều chỉnh về việc xác định hành vi nguy hiểm cho xã hội nào được quy định là tội phạm và những hình phạt để trấn áp tội phạm. Không phải bất kỳ hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nào cũng là tội phạm. Vì vậy để hiểu hơn về Luật Hình sự chúng ta cần nắm rõ khái niệm “tội phạm” là gì.
Theo quy định tại Điều 8 BLHS:
“ 1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.“
Theo như quy định trên, có thể thấy để một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được xem là tội phạm cần đáp ứng nhiều điều kiện khác nhau, chúng ta cùng phân tích để làm rõ khái niệm tội phạm cần thỏa mãn đồng thời thỏa mãn tất cả những điều kiện nào dưới đây.
1. Hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và phải được quy định trong Bộ Luật Hình sự
Hành vi gây nguy hiểm trong Luật hình sự phải được hiểu là những hành vi gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đáng kể cho những quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ như: Nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; An ninh trật tự , quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức; An toàn tính mạng, tài sản nhân phẩm danh dự, sức khỏe và những lợi ích hợp pháp khác của cá nhân.
Những hành vi không gây ra thiệt hại hoặc những thiệt hại được gây ra không đáng kể thì không được xem là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội trong Luật Hình sự.
Những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội có thể thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào tình hình chính trị xã hội của mỗi giai đoạn lịch sử. Đôi lúc những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội còn phụ thuộc vào ý chí của giai cấp thống trị trong việc soạn thảo ra những quy định pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và đấu tranh phòng ngừa tội phạm.
Không phải bất kỳ hành vi nào gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể đều được xem là tội phạm. Những hành vi đó phải được quy định trong Bộ Luật hình sự thì mới được xem là tội phạm.
2. Chủ thể của tội phạm phải có năng lực trách nhiệm hình sự
Không phải bất kỳ ai thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được định nghĩa trên kia cũng là tội phạm. Theo quy định của Luật Hình sự chỉ những cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự thì mới là chủ thể của tội phạm.
Vậy năng lực trách nhiệm hình sự là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự để hiểu rõ hơn. Người có năng lực trách nhiệm hình sự phải đạt độ tuổi nhất định và không rơi vào trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự” .
3. Người thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội phải là người có lỗi
Luật hình sự xem xét lỗi như dấu hiệu chủ quan của tội phạm, nếu một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội không có lỗi thì không được xem là tội phạm. Lỗi được chia làm hai hình thức là cố ý và vô ý.
Trong Bộ Luật Hình sự có quy định một số trường hợp không phải là tội phạm do thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nhưng không có lỗi như sau: Sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết.
4. Khách thể của tội phạm được Luật Hình sự điều chỉnh
Các quan hệ xã hội thì có nhiều và được điều chỉnh bởi nhiều ngành luật khác nhau như Luật Dân sự, Luật Hành chính…., nhưng Luật Hình sự chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội như: Nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; An ninh trật tự , quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức; An toàn tính mạng, tài sản nhân phẩm danh dự, sức khỏe và những lợi ích hợp pháp khác của cá nhân.
Như vậy một hành vi không xâm phạm đến khách thể của Luật Hình sự thì không thể coi là tội phạm.
5. Chủ thể đặc biệt của Luật Hình sự-Pháp nhân
Pháp nhân vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự mới khi thỏa mãn những điều kiện sau:
- Được thực hiện nhân danh pháp nhân;
- Hành vi thực hiện vì lợi ích của pháp nhân;
- Được thực hiện dưới sự chỉ đạo hoặc sự đồng ý của pháp nhân;
- Trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp nhân chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với 31 tội danh trong số các tội danh về nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội về môi trường. Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có quy định thêm 2 tội danh cho pháp nhân.