Tội vu khống bị xử phạt thế nào?
Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ vu khống cá nhân và các tổ chức, đặc biệt là trên mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận. Vậy tội vu khống là gì? Vu khống cho người khác bị xử phạt thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này nhé!
Vu khống là gì?
Vu khống hiểu nôm na là việc bịa đặt chuyện xấu, không có thực cho người khác để làm mất danh dự, mất uy tín của người đó. Theo quy định tại Điều 156 BLHS 2015, tội vu khống bao gồm một trong những hành động sau:
+ Bịa đặt những điều biết rõ là sai sự thật. Ví dụ: Do ghen tức với ông A – một cán bộ cấp cao, ông B đã tự bịa ra chuyện ông A có quan hệ bất chính với đồng nghiệp nữ nhằm hạ uy tín của ông A.
+ Loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật. Hành vi này có thể được thực hiện thông qua việc sao chép gửi cho người khác, kể lại cho người khác nghe, gửi tin nhắn qua điện thoại di động, đăng tin trên báo chí, internet,…
+ Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc bịa đặt là người khác phạm tội bất kể là tội gì được quy định trong Bộ luật Hình sự nhằm xúc phạm danh dự, hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (không cần biết danh dự, hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có bị xâm hại hay chưa).
Người thực hiện hành vi vu khống đều nhằm mục đích bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị vu khống.
Vu khống cho người khác bị xử phạt thế nào?
Hiện nay, tội vu khống được quy định tại Điều 156 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với ba khung hình phạt chính và một hình phạt bổ sung. Việc xác định mức phạt sẽ tùy thuộc vào mức độ của hành vi phạm tội và hậu quả mà hành vi đó gây ra. Theo đó các khung hình phạt được quy định như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người có hành vi sau:
- Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
- Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Đối với 02 người trở lên;
- Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, dạy dỗ, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
- Đối với người đang thi hành công vụ;
- Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
- Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Vì động cơ đê hèn;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
- Làm nạn nhân tự sát.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Suy cho cùng, vấn nạn nói xấu, bôi nhọ, vu khống cá nhân hay tổ chức cũng xuất phát từ tính đố kỵ, ghen ăn tức ở và hẹp hòi của con người mà ra. Tội vu khống là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu những hình phạt pháp lý. Do đó, công dân cần có sự hiểu biết về tội phạm này để có hành vi ứng xử phù hợp.