Xử lý ra sao với hành vi trốn thuế
Thuế là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước để duy trì bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, nguồn thu này đang thất thu nghiêm trọng do nhiều tổ chức, cá nhân gian lận, trốn thuế ngày càng phổ biến với thủ đoạn rất tinh vi.
Ngay từ Bộ luật hình sự đầu tiên của nước ta năm 1985, nhà làm luật đã quy định chế tài xử phạt đối với tội danh trốn thuế. Theo đó, đây là hành vi trái pháp luật của cá nhân, tổ chức cố ý làm sai lệch để không phải nộp thuế hoặc giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn.
Hiện nay, tội trốn thuế được quy định tại Điều 200 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với 3 khung hình phạt và một hình phạt bổ sung. Việc trốn thuế bị xử lý thế nào sẽ tùy thuộc vào từng hành vi vi phạm, số tiền trốn thuế để xác định mức hình phạt phù hợp. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây:
– Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật
– Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp
– Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán
– Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn
– Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn
– Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của BLHS
– Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của BLHS
– Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của BLHS
– Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
Tuy nhiên, những hành vi trốn thuế trên phải từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các: Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 202 (Tội làm, buôn bán tem giả, vé giả); Điều 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy);Điều 253 (Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 254 (Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 304 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 305 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ); Điều 306 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự); Điều 309 (Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân); Điều 311 (Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc) của BLHS 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 200 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
- Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: phạm tội có tổ chức; số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm.
- Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên
- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Hành vi trốn thuế làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý việc thu thuế, nộp ngân sách cho Nhà nước. Đây là hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân và pháp nhân được pháp luật hình sự bảo vệ.