Xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?
Mục lục
Trong thời đại số, việc sáng tạo và chia sẻ ý tưởng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những vấn đề về vi phạm bản quyền, vi phạm sáng chế ngày càng phổ biến. Từ những ca sĩ có ca khúc bị đạo nhái cho đến các doanh nghiệp nhỏ bị đối thủ cạnh tranh sao chép sản phẩm, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vậy xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện như thế nào? Mời các bạn cùng tham khảo câu trả lời trong bài viết dưới đây.
1. Thế nào được coi là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ?
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường được các đối tượng thực hiện bằng các phương thức, thủ đoạn tinh vi. Quy định tại Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP xác định: Hành vi bị xem xét, bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các Điều 28, 35, 126, 127, 129 và 188 của Luật Sở hữu trí tuệ, khi có đủ các căn cứ sau đây:
- Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
- Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
- Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
Như vậy, việc xác định một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ căn cứ vào việc đối tượng có vi phạm các yếu tố kể trên hay không.
Quyền Sở hữu trí tuệ được phân làm 03 loại: Quyền tác giả và liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Tuy nhiên, trên thực tế những trường hợp tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thông thường rơi vào hai loại: tranh chấp về quyền tác giả và tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp.
1.1. Tranh chấp về quyền tác giả và liên quan đến quyền tác giả
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả. Tranh chấp về quyền tác giả là các tranh chấp sau:
- Tranh chấp giữa các cá nhân, tổ chức nhằm xác định tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.
- Tranh chấp giữa tác giả, đồng tác giả không phải là chủ sở hữu tác phẩm và chủ sở hữu tác phẩm về các quyền nhân thân, quyền tài sản của các chủ thể này.
- Tranh chấp về thừa kế quyền tác giả.
- Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng sử dụng tác phẩm.
- Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dịch vụ bản quyền tác giả.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm gốc với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm phái sinh, thường là tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
- Tranh chấp giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm với những người có quyền kề cận, quyền liên quan đến quyền tác giả, là người biểu diễn, tổ chức sản xuất băng ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
- Tranh chấp giữa những tổ chức, cá nhân có quyền liên quan đến quyền tác giả, bao gồm: người biểu diễn, tổ chức sản xuất băng ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng và những người khác có hành vi vi phạm quyền của họ.
- Tranh chấp giữa tác giả, đồng tác giả với những người có liên quan nhưng không phải là tác giả, bao gồm: người sưu tầm tài liệu cho tác giả, người cung cấp tài chính và phương tiện vật chất khác.
1.2. Tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp phổ biến gồm:
- Tranh chấp nhằm xác định ai là tác giả, chủ sở hữu trí tuệ, người sử dụng hợp pháp đối tượng sở hữu công nghiệp.
- Tác giả sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng khởi kiện cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền tác giả của mình.
- Chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng, tên thương mại, bí mật kinh doanh; người có quyền sử dụng hợp pháp tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý có khởi kiện cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình.
- Chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp khởi kiện người sử dụng trước các đối tượng sở hữu công nghiệp này trong trường hợp người sử dụng trước chuyển giao quyền sử dụng cho người khác hoặc mở rộng khối lượng, phạm vi so với ngày công bố trong đơn.
- Cá nhân, tổ chức khởi kiện cá nhân, tổ chức khác cản trở, hạn chế quyền tự do sáng tạo, quyền sở hữu các sản phẩm trí tuệ của mình.
- Tranh chấp về thừa kế quyền sở hữu công nghiệp.
- Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.
- Tranh chấp về hợp đồng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
- Tranh chấp về quyền nộp đơn xin cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là Bằng độc quyền hoặc Giấy chứng nhận.
- Tranh chấp về việc trả thù lao và các khoản phí khác giữa Cục sở hữu trí tuệ và các chủ thể khác.
2. Xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?
Vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và tinh vi, gây ra những hậu quả tiêu cực không chỉ đối với cá nhân, tổ chức bị xâm hại mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, từ sao chép trái phép đến giả mạo sản phẩm, đều bị pháp luật nghiêm cấm và xử lý theo các hình thức khác nhau.
Xử lý hành chính: Đối với các hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng nhất định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Cụ thể, người vi phạm có thể bị buộc phải tiêu hủy hàng hóa vi phạm, loại bỏ nhãn hiệu giả mạo hoặc phân phối sản phẩm vào mục đích phi thương mại. Ngoài ra, họ còn phải chịu các hình phạt bổ sung như phạt tiền, tạm giữ hành chính.
Xử lý dân sự: Bên cạnh việc xử lý hành chính, người bị hại có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại và các biện pháp khắc phục khác. Tòa án sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm để đưa ra phán quyết phù hợp.
Xử lý hình sự: Đối với những hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc có tổ chức, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Các hành vi này bao gồm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái với số lượng lớn, xâm phạm quyền tác giả trên quy mô thương mại.
Dưới đây là một số trường hợp xử lý vi phạm thường gặp mà bạn có thể tham khảo thông tin cụ thể:
Căn cứ Điều 8 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng hóa sao chép lậu như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng hóa được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ hàng hóa được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Căn cứ Điều 14 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về hành vi xâm phạm quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính như sau:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê bản gốc, bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
Căn cứ Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP (Cụm từ “trên môi trường Internet bị thay thế bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP) quy định về hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm như sau:
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Căn cứ Điều 20 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về hành vi xâm phạm quyền áp dụng biện pháp công nghệ để tự bảo vệ quyền tác giả như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật, công nghệ do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị hoặc hệ thống làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật, công nghệ do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tái xuất tang vật vi phạm đối với hành vi nhập khẩu quy định tại Khoản 3 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này trong trường hợp không áp dụng được biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm a Khoản này.
Việc xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vô cùng cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo, khuyến khích đổi mới sáng tạo và góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh.
3. Hỗ trợ pháp lý từ văn phòng luật sư tố tụng
Quyền sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình quý giá của doanh nghiệp. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ giúp bạn khẳng định thương hiệu, tạo dựng uy tín trên thị trường mà còn là lá chắn vững chắc bảo vệ thành quả lao động của bạn trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, văn phòng luật sư của chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn xây dựng và bảo vệ vững chắc bức tường thành bảo vệ tài sản trí tuệ của bạn.
Văn phòng luật sư của chúng tôi cung cấp các dịch vụ pháp lý toàn diện về sở hữu trí tuệ, bao gồm: tư vấn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; đại diện trong các vụ kiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; tư vấn chuyển giao công nghệ; soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ… Với đội ngũ luật sư chuyên môn cao, chúng tôi cam kết mang đến cho Khách hàng những giải pháp pháp lý tối ưu.
Sản phẩm của bạn có thể bị sao chép, nhãn hiệu của bạn có thể bị người khác xâm phạm bất kì lúc nào. Vì vậy hãy để chúng tôi trở thành người bạn đồng hành tin cậy của bạn trên hành trình bảo vệ tài sản trí tuệ!