Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác: thời phong kiến xử sao?
Mục lục
Luật pháp thời phong kiến Việt Nam đã có những quy định tiến bộ. Theo đó, các tội danh về xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đều bị chế tài nghiêm ngặt.
1. Theo Bộ luật Hồng Đức (1470)
Bộ luật Hồng Đức là dấu ấn quan trọng của nền tư pháp thời Lê sơ, ghi nhận nhiều điều luật tiến bộ, trong đó có những nội dung nghiêm trị các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Tại chương Đấu tụng, Bộ luật quy định các hành vi mắng nhiếc, lăng nhục, vu cáo người khác đều bị xử lưu, xử biếm tư hoặc xử đồ, tùy mức độ, ngoài ra người phạm tội còn phải nộp tiền tạ.
- Xử lưu: lưu đày đi nơi khác;
- Xử biếm tư: tương đương hạ hạnh kiểm đối với quan chức;
- Xử đồ: làm phục dịch, thường kèm theo các hình phạt như đánh bằng gậy, đánh bằng roi và thích chữ vào mặt.
Riêng tội vu cáo, người vu cáo sẽ bị xử phạt theo hình phạt tương ứng của chính tội danh mà mình đã vu cho người khác.
2. Theo Bộ luật Gia Long (1815)
Đặc trưng luật pháp thời Nguyễn là bộ Hoàng Việt Luật Lệ (hay còn gọi là Bộ luật Gia Long). Trong Bộ luật Gia Long, một số hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác bao gồm: mắng người, vu cáo đều bị chế tài bằng những hình phạt hết sức nặng nề.
Mục “Mạ lị” trong Quyển thứ 16 của Bộ luật Gia Long quy định: “Phàm mắng người thì bị phạt 10 roi. Cùng mắng nhau thì mỗi người bị phạt 10 roi”. Nếu mắng ông bà, cha mẹ, người phạm tội có thể bị phạt treo cổ.
Cũng Quyển thứ 16, mục “Thưa kiện” có quy định tội vu cáo như sau:
- Kẻ nào vu cáo người khác khiến họ bị phạt đánh bằng roi thì cũng chịu bị phạt đánh roi và tăng thêm 2 bậc tội;
- Kẻ nào vu cáo người khác khiến họ mắc tội lưu đày, tội phục dịch, tội đánh bằng gậy (không kể đã xử hay chưa), thì cũng phải chịu các tội ấy và tăng thêm 3 bậc tội nhưng kịch khung không quá 3000 dặm và đánh không quá 100 gậy.
- Kẻ nào vu cáo người khác khiến họ bị xử tử (đã thi hành án), thì bị xử tử.
Ngoài ra, tùy theo mức độ, kẻ vu cáo còn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, cấp tiền chuộc lỗi cho nạn nhân và người nhà của họ.
3. Theo pháp luật hiện nay
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử lý hành chính. Căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Người phạm tội đối với thành viên trong gia đình sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; phạm tội đối với người thi hành công vụ sẽ bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Đối với những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác một cách nghiêm trọng, theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, có những chế tài cụ thể như sau:
- Tội làm nhục người khác (Điều 155): mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; mức cao nhất là phạt tù đến 02 năm.
- Tội vu khống (Điều 156): mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm; mức cao nhất là phạt tù đến 07 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Dịch vụ pháp lý tại Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam
Với kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực hình sự, đội ngũ luật sư tại Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam tự tin mang đến cho Quý Khách hàng những dịch vụ pháp lý chất lượng:
- Dịch vụ tư vấn giải đáp thắc mắc: Trên cơ sở đối chiếu quy định pháp luật và đánh giá hồ sơ chứng cứ, chúng tôi đưa ra phương án tốt nhất, giải đáp vướng mắc cho Quý Khách hàng.
- Dịch vụ tham gia tố tụng tại tòa án: Khi có yêu cầu, chúng tôi sẽ hỗ trợ Quý Khách hàng soạn thảo hồ sơ, thu thập chứng cứ và tham gia tranh tụng, bảo vệ Quý Khách hàng tại phiên tòa.
Bảo đảm lợi ích lớn nhất cho Quý Khách hàng luôn là phương châm hành nghề của chúng tôi.