Tảo hôn và tổ chức tảo hôn
Tình trạng tảo hôn xảy ra đặc biệt nhiều ở vùng núi, các dân tộc thiểu số, những nơi thiếu sự hiểu biết về văn hoá và pháp luật, duy trì những hủ tục. Rất nhiều trẻ em chỉ mới 9 – 10 tuổi đã bị gia đình bắt ép kết hôn.
Trước tiên chúng ta cần phải hiểu tảo hôn chính là việc lấy vợ hoặc chồng khi một trong hai người hoặc cả hai chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Và, tổ chức tảo hôn là một hành vi vi phạm được quy định trong pháp luật hình sự.
Tội tổ chức tảo hôn theo quy định của BLHS
Tội tổ chức tảo hôn được quy định ở Điều 183 BLHS 2015.
“Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.”
Chủ thể phạm tội này là bất kì người nào có năng lực trách nhiệm hình sự, tuy nhiên thường là nhưng người thân thích như bố mẹ, ông bà, hay già làng… nhưng là người có quyền uy buộc đôi nam nữ phải lệ thuộc vào họ.
Chế tài xử lý tội tổ chức tảo hôn
Tội tổ chức tảo hôn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Nhờ sự can thiệp của pháp luật, tình trạng tảo hôn ở vùng miền núi đã có dấu hiệu giảm nhưng không thực sự đáng kể, tình trạng đó vẫn được các cơ quan chức năng kiểm soát kịp thời và triệt để. Nếu không ngăn chặn kịp thời, kết hôn quá sớm, sinh con sớm sẽ không đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất của trẻ nhỏ, kéo dài thêm cuộc sống nghèo khó.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng tảo hôn xuất phát từ rất nhiều lý do khác nhau, đa phần trong đó đến từ cách nghĩ và thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ta cần có biện pháp kịp thời để kiểm soát và ngăn chặn tốt hơn tình trạng tảo hôn hiện nay, vì một xã hội phát triển tốt hơn.