Chống buôn lậu theo quy định của pháp luật
Mục lục
Buôn lậu là hành vi đưa hàng hóa trái pháp luật qua biên giới nhằm đưa vào thị trường tiêu thụ trong nước. Hiện nay, thực trạng buôn lậu đang có xu hướng diễn ra rất phức tạp với những thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt. Do đó, để ngăn chặn hoạt động này, buộc Nhà nước phải có những chế tài xử phạt, ngăn chặn kịp thời. Vậy pháp luật đã có quy định như thế nào để chống buôn lậu?
Tội buôn lậu là gì?
Tội buôn lậu được định nghĩa tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, buôn lậu là hành vi buôn bán trái pháp luật qua biên giới, từ khu phi thuế quan hoặc ngược lại mà không khai báo, khai báo gian dối, dùng giấy tờ giả mạo,… nhằm trốn tránh sự kiểm soát của hải quan, bộ đội biên phòng.
Các yếu tố cấu thành tội buôn lậu
Khi bạn đã hiểu buôn lậu là gì thì việc chống buôn lậu là điều cần thiết để ngăn chặn tình trạng tiêu cực gây ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế. Tuy nhiên, trước tiên cần phải dựa trên các yếu tố cấu thành để xác định khung hình phạt phù hợp đối với loại tội danh này, cụ thể như sau:
Chủ thể tội buôn lậu
Chủ thể của tội buôn lậu là bất kỳ người nào có đủ năng lực hành vi, bao gồm cả pháp nhân thương mại. Theo Điều 12 BLHS 2015 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Như vậy, đối với tội danh này, người thuộc độ tuổi trên cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm. Điều này nhằm phục vụ mục đích chống lại buôn lậu, ngăn chặn tình trạng bỏ lọt tội phạm và xử án oan của cơ quan tiến hành tố tụng.
Mặt khách quan tội buôn lậu
Hành vi khách quan của tội buôn lậu được xác định là hành vi buôn bán trái pháp luật qua biên giới, từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại hàng hóa Việt Nam, ngoại tệ, kim quý, di vật,… Buôn bán trái phép được thể hiện khi việc giao dịch, trao đổi hàng hóa không có giấy phép hoặc giấy tờ giả mạo, có nội dung không đúng với các quy định khác của Nhà nước và hải quan.
Đối với trường hợp kinh doanh xuất nhập khẩu đúng giấy phép nhưng số lượng hàng hóa khai báo không trung thực thì cũng bị coi là buôn lậu. Do đó, để chống buôn lậu, cơ quan chức năng cần phải rà soát, đồng thời tiến hành truy cứu trách nhiệm đối với người thực hiện tội danh này. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng cho phần chưa khai hoặc phần vượt mức cho phép.
Mặt chủ quan của tội buôn lậu
Người thực hiện hành vi buôn lậu là do cố ý trực tiếp. Họ nhận thức rõ hành vi của mình và thấy trước được hậu quả nhưng vẫn mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Mục đích của những đối tượng phạm tội này nhằm thu lợi bất chính từ hành vi buôn bán trái pháp luật như trốn thuế xuất nhập khẩu, trốn khâu xử lý và kiểm tra chất lượng hàng hóa,…
Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội buôn lậu là trật tự quản lý kinh tế trong việc xuất, nhập khẩu. Đối tượng tác động ở đây là hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa và hàng cấm.
Pháp luật đã có quy định như thế nào để chống buôn lậu?
Để chống buôn lậu với diễn biến ngày càng phức tạp, pháp luật hình sự đã đưa ra chế tài xử phạt đối với loại tội danh này. Cụ thể được quy định tại Điều 188 BLHS 2015. Theo đó, có 4 khung hình phạt chính.
Khung hình phạt 1:
Phạm tội buôn lậu sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp:
- Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính tại các tội tại điểm a khoản 1 Điều 188.
- Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
Khung hình phạt 2
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức.
- Có tính chất chuyên nghiệp.
- Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.
- Phạm tội 02 lần trở lên.
- Tái phạm nguy hiểm.
Khung hình phạt 3
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
- Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
- Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Khung hình phạt 4
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
- Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên.
- Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.
- Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
Đồng thời, để chống buôn lậu, tránh bỏ lọt tội phạm, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 còn đưa ra chế tài xử phạt đối với pháp nhân thương mại, được quy định tại khoản 6 của Điều luật này. Ngoài ra, người phạm tội sẽ phải chịu hình phạt bổ sung như bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề,…