Chứng cứ trong tố tụng hình sự
Chứng cứ là phương tiện để chứng minh, xác định các sự kiện, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án hình sự. Rõ ràng vai trò, giá trị của chúng là rất quan trọng, là cơ sở, phương tiện duy nhất để chứng minh trong bất cứ một vụ án hình sự hay dân sự nào.
Khái niệm
Tại Điều 86 BLTTHS 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Nguồn
Được quy định tại điều 87 BLTTHS 2015, theo đó, nguồn chứng cứ bao gồm: Vật chứng, lời khai, lời trình bày, dữ liệu điện tử, kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; các tài liệu, đồ vật khác.
Như vậy, so với BLTTHS 2003 thì BLTTHS 2015 ngoài việc quy định cụ thể, rõ ràng hơn một số nguồn như lời trình bày, biên bản trong hoạt động khởi tố, thi hành án, đã bổ sung thêm các nguồn chứng cứ là: Dữ liệu điện tử; định giá tài sản; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế.
Thu thập
Điều 88 BLTTHS năm 2015 đã quy định đầy đủ, cụ thể về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ để giải quyết vụ việc hình sự. So với BLTTHS 2003, Kiểm sát viên cần phải đặc biệt lưu ý quy định mới tại khoản 5 Điều 88.
Đánh giá
Hoạt động kiểm tra đánh giá chứng cứ được quy định tại Điều 108 BLTTHS 2015:
“…Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.
“Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án”.
Sử dụng
Trong quá trình chứng minh, ở các giai đoạn tố tụng, hoạt động sử dụng chứng cứ gắn liền với hoạt động đánh giá. Đánh giá và sử dụng chứng cứ có mối quan hệ chặt chẽ không tách rời nhau. Đánh giá chứng cứ là tiền đề, là điều kiện cho sử dụng chứng cứ. Sử dụng chứng cứ là sự kiểm nghiệm, xác định lại kết quả của hoạt động đánh giá . Đánh giá không đúng, tất yếu dẫn đến kết quả sai lầm, không đúng đắn của việc sử dụng. Ngược lại, việc sử dụng sai mục đích, không phù hợp giữa nội dung, giá trị chứng minh của chứng cứ với đối tượng cần phải chứng minh là làm hạn chế kết quả của hoạt động đánh giá.