Lịch sử ra đời và ý nghĩa của ngày phụ nữ Việt Nam 20/10
Mục lục
Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 được coi là một ngày đặc biệt nhằm tôn vinh giá trị của người phụ nữ. Đồng thời, đây cũng là dấu mốc quan trọng, khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ trong việc tham gia vào các công tác chính trị, xã hội như quyền bầu cử, ứng cử vào bộ máy nhà nước,… Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ đề cập đến lịch sử ra đời và ý nghĩa của ngày phụ nữ Việt Nam để bạn có thể nắm bắt thêm nhiều thông tin bổ ích.
1. Lịch sử ra đời ngày phụ nữ Việt Nam 20/10
Phụ nữ là một nửa của thế giới, là phái yếu cần được yêu thương và bảo vệ. Họ đã cùng đàn ông góp phần làm nên cuộc sống thêm tươi đẹp, hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đất nước phải chịu nhiều ảnh hưởng từ phong kiến Trung Quốc, vai trò của người phụ nữ chưa thực sự được xem trọng. Do đó, ngày 20/10 được coi là mốc lịch sử quan trọng khẳng định vị thế của chính mình trong gia đình và ngoài xã hội.
1.3. Người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ phong kiến
Từ xưa đến nay, người phụ nữ Việt Nam luôn mang trong mình đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, yêu chồng, thương con. Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ luôn là đối tượng phải chịu áp bức, bóc lột, phải chịu nhiều bất công bởi tư tưởng nam quyền “trọng nam khinh nữ”. Thế nhưng, mỗi khi đất nước bị xâm lăng, họ lại trở thành những người dũng cảm, mạnh mẽ, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
1.2. Người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, phụ nữ Việt Nam đã tham gia đông đảo các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc như Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du,… Bên cạnh đó, còn có rất nhiều người phụ nữ tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiêu biểu là Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Nguyễn Thị Minh Khai, Tôn Thị Quế.
Từ năm 1927, những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành, từ đây thu hút đông đảo số lượng phụ nữ tham gia. Tiêu biểu phải kể đến Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các tổ chức học nghề và có tính chất riêng của phụ nữ. Cũng trong thời gian này, ba chị em ở làng Phật tích tham gia vào Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ.
Từ năm 1928 đến năm 1930, có rất nhiều nữ anh hùng tham gia vào các tổ chức chính trị nhằm đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, trong năm 1930, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, ở Hà Tĩnh có đến gần 13.000 người phụ nữ tham gia, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 300 xã. Ngày 1/5/1930, nữ anh hùng Nguyễn Thị Thập đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.
1.3. Cơ sở ra đời ngày phụ nữ Việt Nam
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng là đề cao sự bình đẳng của nam nữ. Theo đó, Đảng đã nhận rõ vai trò của người phụ nữ trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, giải phóng giai cấp.
Ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện này được coi là một dấu mốc lịch sử quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng đối với tổ chức phụ nữ và sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Từ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hàng năm thành ngày kỷ niệm và tôn vinh giá trị người phụ nữ.
Như vậy, sự ra đời của ngày phụ nữ Việt Nam là kết quả tổng hòa của cơ sở thực tiễn cho những đóng góp của người phụ nữ cùng với cơ sở lý luận qua lời nhận định của Đảng trong cương lĩnh chính trị. Vì vậy, cứ mỗi năm, khi ngày 20/10 đến, người phụ nữ luôn nhận được những lời chúc tốt đẹp, ưu ái nhất.
2. Ý nghĩa ngày Phụ nữ Việt Nam
Ngày 20/10 có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Lần đầu tiên, người phụ nữ được tôn vinh những giá trị, đức tính cao đẹp. Đó là cần cù, chịu khó, đảm đang, thủy chung, hết lòng vì chồng con và đất nước.
Bên cạnh đó, ngày 20/10 chính là mốc son đánh dấu vị thế của người phụ nữ Việt Nam lên tầm cao mới. Trước đây, họ luôn phải chịu nhiều bất công, áp bức từ tư tưởng Nho gia và chế độ phong kiến. Thế nhưng, giờ đây, người phụ nữ đã làm chủ cuộc đời của mình, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mà còn trong chính trị. Điều này được minh chứng thông qua quá trình bỏ phiếu bầu cử, tham gia các công tác chính quyền, nắm giữ nhiều trọng trách quan trọng trong bộ máy Nhà nước.