Những điều cần biết về sở hữu riêng
Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là chế định quan trọng trong Bộ luật dân sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản, bảo đảm trật tự xã hội trong giao lưu dân sự. Chính vì vậy, Bộ luật dân sự của các quốc gia trên thế giới đều coi đây là chế định cơ bản cần tập trung quy định, làm cơ sở cho việc quy định các chế định khác như hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem BLDS Việt Nam quy định như thế về sở hữu riêng trong bài viết dưới đây.
Khái niệm và cơ sở pháp lý
Theo khoản 1 Điều 205 BLDS 2015 thì: “Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân”.
Như vậy, sở hữu riêng là những quyền dân sự cụ thể của cá nhân hoặc pháp nhân với tư cách là chủ sở hữu đối với tài sản của mình thông qua các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản.
Chủ thể của sở hữu riêng
Chủ thể của sở hữu riêng là từng cá nhân hoặc từng pháp nhân. Mọi cá nhân dù trưởng thành hay chưa trưởng thành, có hay không có năng lực hành vi dân sự hoặc năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ đều có “quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản”(Khoản 2 Điều 17 BLDS 2015).
Khách thể của sở hữu riêng
Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về số lượng, giá trị. Và tại sản thuộc sở hữu riêng có thể là thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn, hoa lợi, lợi tức và các tài sản hợp pháp khác của cá nhân hoặc pháp nhân là tài sản thuộc hình thức sở hữu riêng.
Nội dung của sở hữu riêng
Công dân thực hiện quyền làm chủ, chi phối tài sản qua các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng hoặc sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (khoản 2 điều 206 BLDS 2015)
Việc chiếm hữu, sử dụng tài sản thuộc sở hữu riêng gây thiệt hại đến lợi ích chung, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Đây là những điều cơ bản nhất về sở hữu riêng, chế độ sở hữu này đã tạo ra một nền kinh tế nhiều thành phần và vận động theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước.