Những điều cần biết về tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản
Tình trạng bắt cóc chiếm đoạt tài sản hiện nay đang diễn ra theo chiều hướng gia tăng ngày càng manh động hơn. Đây cũng là vấn đề gây xôn xao dư luận và được toàn xã hội quan tâm. Như vậy thế nào thì được gọi là tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản và pháp luật quy định như thế nào về tội này. Hãy cùng tìm hiểu qua thông tin dưới đây:
Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt và giữ người nhằm buộc người khác phải nộp cho mình một khoản tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt cóc. (Căn cứ vào Khoản 1 Điều 169 Bộ luật hình sự 2015)
Các dấu hiệu cơ bản của tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản
Chủ thể: Là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
Khách thể: Cùng một lúc xâm hại đến hai khách thể là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân.
Mặt khách quan:
Có hành vi bắt giữ người khác làm con tin: Là hành vi của người phạm tội thực hiện việc bắt giữ người trái pháp luật nhằm tạo ra điều kiện gây áp lực buộc người bị hại phải giao tài sản bằng nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau như dùng vũ lực khống chế để bắt giữ người, dùng thủ đoạn lừa dối để bắt giữ người, dùng thuốc gây mê để bắt giữ người…
Đặc điểm của việc bắt cóc: Đối tượng bắt cóc thông thường phải là người có quan hệ huyết thống, hoặc có quan hệ tình cảm, với người bị hại mà người phạm tội dự định đưa ra yêu cầu trao đổi bằng tài sản để chiếm đoạt.
Gây áp lực đòi người bị hại giao tài sản để đổi lấy người bị bắt giữ: Khi thực hiện xong hành vi bắt cóc con tin thì người phạm tội thực hiện việc gây sức ép về mặt tinh thần đối với người bị hại bằng việc đe dọa gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của con tin nhằm buộc người bị hại phải giao một số tài sản để đổi lấy sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, kể cả nhân phẩm, tự do của người bị bắt cóc.
Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là dấu hiệu cầu thành cơ bản của tội này.
Những quy định của pháp luật về bắt cóc chiếm đoạt tài sản
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự 2015, theo đó mức thấp nhất của khung hình phạt đối với tội này là 02 năm tù và mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là tù chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 02 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.