Phân biệt phạm tội liên tục và phạm tội 2 lần trở lên
Mục lục
Trong các quy phạm pháp luật hình sự, có hai khái niệm dễ gây nhầm lẫn với nhau là “phạm tội liên tục” và “phạm tội 2 lần trở lên”. Vì hiện tại chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ định nghĩa hai khái niệm trên dẫn đến một số khó khăn trong việc xét xử và định tội danh của các cơ quan xét xử. Bài viết này chúng tôi thông tin đến các bạn một số cách thức phân biệt “phạm tội liên tục” và “phạm tội 2 lần trở lên”.
1. Phạm tội liên tục là gì?
Phạm tội liên tục là tội phạm mà hành vi khách quan có tính liên tục, bao gồm nhiều hành vi cùng loại xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian, cùng xâm hại một quan hệ xã hội và đều bị chi phối bởi một ý định phạm tội cụ thể thống nhất.
Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP có thông tin về hình thức phạm tội này tại điểm a khoản 5 Mục 2 như sau:
“Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích…), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:
a) Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.“
2. Phạm tội 2 lần trở lên là gì?
Khái niệm phạm tội 2 lần trở lên là khái niệm thay thế cho khái niệm phạm tội nhiều lần trong BLHS 1999.
Phạm 02 lần trở lên là người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một hoặc nhiều đối tượng khác, xâm phạm đến cùng một khách thể trực tiếp và chưa bị xét xử. Khi xét xử, các hành vi đó chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và người phạm tội vẫn chưa bị xét xử hoặc bị xử lý bằng các hình thức khác (đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra…).
3. Phân biệt phạm tội liên tục và phạm tội 2 lần trở lên
3.1. Giống nhau
– Thực hiện ít nhất 02 hành vi nguy hiểm cho xã hội trở lên.
– Cùng xâm hại một khách thể.
3.2. Khác nhau
Phạm tội liên tục | Phạm tội 2 lần trở lên | |
Đặc điểm | Có hành vi cấu thành tội phạm, có hành vi không cấu thành tội phạm. Nhưng nó là tội phạm thống nhất và khi tổng hợp các hành vi nguy hiểm cho xã hội đó cũng chỉ cấu thành một tội phạm độc lập | Mỗi hành vi đều thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu của cấu thành tội phạm. |
Phạm vi | Tồn tại trong một số tội danh nhất định (tội hành hạ người khác; tội bức tử; tội đầu cơ….) | Tồn tại trong mọi tội danh. |
Bản chất | Là đặc điểm của hành vi khách quan được quy định trong cấu thành tội phạm cơ bản. | Là tình tiết định khung tăng nặng hoặc tình tiết tăng nặng. |
Ví dụ | A phạm tội hành hạ người khác, những hành vi của A hằng ngày như đánh, đấm, tát,… không cấu thành tội phạm nhưng nếu nó được thực hiện liên tục từ ngày này qua ngày khác dẫn đến việc nạn nhân bị thương hoặc bị chết thì sẽ cấu thành tội hành hạ người khác và những hành vi đánh, đấm, tát được xem là phạm tội liên tục | A có hành vi cướp giật điện thoại của chị B, sau khi bị cơ quan công an bắt, A khai nhận A vừa cướp laptop của C và D nữa. Tức A đã phạm tội 2 lần trở lên vì mỗi lần cướp giật đầu cấu thành tội phạm và có thể khởi tố. |