Quy định của pháp luật về quyền định đoạt
Tài sản và quyền sở hữu tài sản là một trong các chế định vô cùng phức tạp và đa dạng trong hệ thống pháp luật dân sự. Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.
Theo điều 192 BLDS 2015:
“Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản”.
Điều kiện định đoạt
Pháp luật quy định cho cá nhân là chủ sở hữu hoặc không phải chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản, tuy nhiên để có quyền định đoạt thì cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định về năng lực hành vi và các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Thứ nhất, về năng lực hành vi: Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật
Thứ hai, về trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về định đoạt tài sản: Trong trường hợp pháp luật có quy định về trình tự, thủ tục định đoạt thì cần phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục đó.
Chủ thể có quyền định đoạt
BLDS 2015 có quy định chủ thể có quyền định đoạt là chủ sở hữu và người không phải chủ sở hữu.
Thứ nhất, tại Điều 194 có quy định về quyền định đoạt đối với chủ sở hữu như sau: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”
Thứ hai, quyền định đoạt đối với người không phải chủ sở hữu được quy định tại Điều 195 : “Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật”
Những hạn chế của quyền định đoạt:
Theo quy định tại Điều 196 BLDS 2015 thì quyền định đoạt chỉ bị hạn chế bởi hai trường hợp đó là:
“1. Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định.
Khi tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử- văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.
Trường hợp cá nhân pháp nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó”.
Quyền định đoạt có vai trò rất quan trọng đối với chủ sở hữu vì vậy pháp luật quy định như vậy là hợp lý để bảo vệ những quyền vốn có của chủ sở hữu.