Tội cướp giật tài sản – Tội xâm phạm sở hữu
Cướp giật tài sản là hành vi công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản trong tay người khác hoặc đang chịu sự quản lí của người có trách nhiệm về tài sản mà không dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực hoặc bất cứ thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lí tài sản. Vậy có thể hiểu tội cướp giật tài sản là việc nhanh chóng giật lấy tài sản của người khác rồi tẩu thoát[1].
Ví dụ về tội cướp giật tài sản
Trưa ngày 7/8/2017, Nguyễn Văn M (18 tuổi), trú tại số nhà 9 Pháo Đài Láng; Lê Minh H (19 tuổi), trú tại ngõ 185 chùa Láng. Sau khi ăn chơi hút hít trong một nhà nghỉ trên đường Nguyễn Chí Thanh, hai người bàn nhau đi cướp giật để lấy tiền…chơi tiếp. Đi khỏi nhà nghỉ một đoạn đến cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, chúng thấy hai người phụ nữ đang đèo nhau bằng xe máy, tay ôm một chiếc túi, chúng đoán chiếc túi phải đáng giá nên mới ôm khư khư như vậy. Chúng quyết định bám theo, khi đến chân cầu vượt chúng cho xe áp sát và giật lấy chiếc túi rồi rú ga bỏ chạy.
Như vậy, các đối tượng trên đã thực hiện hành vi cướp giật tài sản một cách công khai và nhanh chóng cấu thành tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 171 BLHS 2015.
Cơ sở pháp lí
Điều 171 BLHS 2015, tội cướp giật tài sản được thiết kế thành 05 khoản. Trong đó khoản 1 quy định cấu thành cơ bản của tội phạm cướp giật tài sản. Khoản 2,3,4 quy định cấu thành tăng nặng đối với tội phạm này và khoản 5 quy định về hình phạt bổ sung.
Về phía người phạm tội:
Chủ thể thực hiện tội phạm: Người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu TNHS nếu thuộc khoản 1 Điều 171,vì theo khoản 2 Điều 12 BLHS thì người trong độ tuổi này không phải chịu TNHS nếu thuộc khoản 1 Điều 171. Nếu thuộc trường hợp khoản 2,3 Điều 171 thì chỉ cần xác định đủ 14 là đã phải chịu TNHS. Trong ví dụ trên M và H nếu bị bắt thì sẽ phải chịu TNHS về hành vi của mình.
Hành vi phạm tội: Người phạm tội giật tài sản nhanh chóng và công khai. M và H áp sát xe của hai phụ nữ giật túi một cách nhanh chóng.
Mặt chủ quan của tội phạm: Mục đích người phạm tội hướng đến là chiếm đoạt được tài sản. M và H giật túi để lấy tiền ăn chơi tiếp.
Khách thể của tội phạm: Quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân. Hành vi của M và H trực tiếp tác động đến tài sản cũng nhân thân của hai người phụ nữ khi bị văng ra đường ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Hình phạt: M và H có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 20 năm tùy theo mức độ nguy hiểm và cấu thành tăng nặng của tội phạm.
[1] Bình luận khoa học luật hình sự. Đinh Văn Quế