Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản
Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, được hiểu là hành vi do cẩu thả hoặc vì quá tự tin gây ra thiệt hại về tài sản của người khác. Vậy còn tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản được pháp luật quy định như thế nào?
Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lí
Tại Điều 180 BLHS 2015 tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản được quy định như sau:
“1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
- Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Các yếu tố cấu thành tội phạm
Mặt khách quan: Người phạm tội có hành vi gây thiệt hại đến tài sản của người khác. Hành vi này được hiểu đơn giản đó là làm mất, hư hỏng tài sản của người khác. Ví dụ: anh A ( 20 tuổi) mượn chiếc xe mô tô trị giá 200 triệu đồng của anh B, khi vào siêu thị để mua đồ anh B không khóa xe và bị kẻ trộm lấy mất chiếc xe.
Hậu quả: Phải gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì mới phải chịu TNHS. Theo quy định tại khoản 1 Điều 180 thì gây thiệt hại nghiêm trọng là trường hợp giá trị tài sản bị thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên. Do đó trong ví dụ A làm mất chiếc xe của B trị giá 200 triệu đã cấu thành tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản.
Khách thể tội phạm: Người phạm tội đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác và không có ý định chiếm đoạt chỉ làm mất, hư hỏng tài sản. A đã xâm phạm đến quyền sở hữu chiếc xa mô tô của B khi làm mất xe.
Mặt chủ quan: Tội này được thực hiện do lỗi vô ý, cũng như tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản được thực hiện với lỗi vô ý do quá tự tin hoặc do cẩu thả. A vào siêu thị mua đồ nhưng không khóa xe đó là quá tự tin rằng không ai trộm chiếc xe đó.
Chủ thể của tội phạm: Phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu TNHS vì tội phạm này cả khoản 1, 2 Điều 180 đều là tội ít nghiêm trọng. A, 20 tuổi hoàn toàn đủ điều kiện để chịu TNHS.
Về hình phạt: Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm( khoản 1). Hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (khoản 2). Trong ví dụ A làm mất chiếc xe trị giá 200 triệu, trong trường hợp này nếu bị truy cứu TNHS thì A có thể bị phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm.